Guest viewing is limited

manhhung102

"Quảng ái chi vị nhân"
Tham gia
15/10/12
Bài viết
345
Điểm tương tác
535
SVC$
0
THÚ “CHƠI CHIM” VÀ LỢI ÍCH NHÃN TIỀN


1234-hq15-3-09_184_thumb.jpg
Thú thật, khi đến với thú “chơi chim” tôi chỉ là một cậu bé học “vỡ lòng”. Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ như một cậu học trò học lần đầu cầm bút. Nhưng càng “vỡ” thì càng “thú” và càng “thú” càng có nhiều bài học rút ra không chỉ cho nghề “chơi chim” mà cả “nghề”…dạy con.
Tôi đến với “món chim cò” này thật tình cờ và cũng thật bất ngờ. Vào một ngày đẹp trời của mùa Thu Hà Nội, tôi tới thăm một người bạn vong niên. Sau chén trà chào hỏi, câu chuyện giữa chúng tôi cứ chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, từ công việc đến con cái, từ thể thao đến giải trí và rồi dừng lại ở việc chơi chim. Cậu bạn tôi được người ta tặng cả một đàn chim khuyên mới bẫy được, có đến vài chục con nhốt chung một cái lồng. Chúng cứ ríu rít ríu rít nghe đến vui tai. Và rồi, các ký ức hồi niên thiếu ùa về trong tôi. Nhớ lần, hồi tôi còn nhỏ lắm, chắc chỉ 8-9 tuổi, cũng rình bẫy chim bằng cái lồng nuôi chim vì hồi đó có biết lồng bẫy là gì đâu! Thấy vườn táo sau nhà hay có chim khuyên, nên tôi lấy lồng nuôi chim, cho hoa, quả vào trong lồng, buộc một đầu dây vào cửa lồng rồi kéo lên, ngồi rình cả buổi rồi cũng kéo sập được một con. Khi đó, vui và hạnh phúc lắm! Nhưng do không hiểu về chim, nên nuôi vài bữa rồi em nó cũng “ra đi”. Nghĩ cũng tội cho em nó!

- “Mày cầm mấy con về cho con Moon nó chơi”. Lời cậu bạn ngắt đứt chuỗi ký ức của tôi.
- “Thôi ai mà chăm được”. Tôi gạt phắt mặc dù trong lòng cũng đang phân vân.

- “Có gì đâu! Mỗi ngày *** cứ cho ít cám, ít nước vào là xong! Chủ yếu là tạo cho con Moon tình yêu động vật. Điều đó mới quan trọng.”


Nói đến con Moon là tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Chủ trương của tôi là “mọi điều làm vì con” mà. Tôi gật đầu cái “rụp” nhưng vẫn còn e ngại chút ít.
- “Tao không có lồng chim. Để đi mua 1 cái đã”
- “Cần gì! Tao cho *** cả lồng, cả cám luôn”. Vừa nói, bạn tôi vừa đứng dậy, ra sân chọn lấy một cái lồng và tiện tay bắt luôn một đôi khuyên cho vào. Bạn tôi cũng không quên gói cho một túi cám và dặn dò rất kỹ lưỡng. Thú chơi chim của tôi bắt đầu…

Tôi hý hửng mang lồng chim về khoe con và vợ. Cô con gái tôi có vẻ tò mò bằng việc đặt ra cả một tá câu hỏi. Rồi thì mọi chuyện lại đâu vào đó. Con gái tôi có vẻ không mặn mà lắm với hai con vật biết bay màu xanh xanh, vàng vàng trong lồng. Nhưng thôi, tôi tự nhủ, cứ nuôi rồi có lúc hy vọng nó sẽ thích.


Sáng hôm sau, tôi hì hụi, đo đo đạc đạc, tính tính toán toán, đóng một cái đinh để treo lồng. Đang dở việc thì anh bạn, làm đầu bếp cho cửa hàng ngoài ngõ, nhìn thấy và câu đầu tiên đã chạm lòng tự ái của tôi “Ối giời ơi! Ai chơi chim mà lại nuôi hai con một lồng! Làm sao mà nó hót được! Phải tách nó ra, mỗi con một lồng”. Tôi vừa thẹn, gượng cười rồi chữa ngượng “À, hôm qua bạn em mới cho hai con, cho con Moon nó chơi ý mà”.


Sau vụ đó, tôi âm thầm google thông tin và loạng quạng thế nào vào trang svcvietnam.vn. Tôi đăng ký thành viên, vào đọc, vào xem và “nghiện” lúc nào không biết. Tôi như một người biết bơi thoả chí trong một cái bể rộng mênh mông với đủ các thông tin mà tôi cần, tôi muốn. Tôi tìm hiểu về lồng chim, về thức ăn, về cách chăm sóc... Nói túm lại là mọi thông tin liên quan tới chim vành khuyên.

-
“Anh đi mua lồng khuyên với em nhé?! Em chẳng biết mua ở đâu và giá cả thế nào!”. Tôi nói với anh bạn đầu bếp.
- “Ok. Chuyện nhỏ đi luôn”

Chúng tôi cưỡi xe máy giữa trưa ra phố Bạch Mai. Vào một cửa hàng tương đối rộng gần chợ Mơ. Cơ man nào là lồng, giá thì cũng đủ loại. Sau một hồi mặc cả, chọn đủ phụ kiện cho lồng từ cây cắm hoa quả, cóng nước, cóng cám đến áo phủ…Tôi xách về lòng đầy háo hức. Vậy là mỗi em đã có một nhà riêng. Hai em bắt đầu gọi nhau ý ới! Vậy là bước đầu tạm ổn. Công việc tiếp theo là thuần các em nó.


Đó là những bước đi đầu tiên của tôi vào nghề chơi chim. Đến thời điểm này, tôi đã từng nuôi khuyên, ngũ sắc, choè than, chào mào và dự định…thôi lúc nào duyên đến hẵng hay. Nói trước khéo lại không nuôi được!
Đúng là nghề nào cũng có cái công phu của nó. Chẳng phải vô cớ mà những người giỏi nghề, có đức độ…người ta lại phong cho cái danh “nghệ nhân chim”. Nhưng đúng, với tôi càng chơi chim, tôi càng ngộ ra nhiều thứ:

Thứ 1
: Nuôi chim phải có…cái duyên. Tại sao có người chỉ nuôi được một hoặc vài loại nào đó mà không thể nuôi loại khác? Tại sao có người nuôi chim khuyên thì líu mà người khác nuôi thì không mặc dù chế độ chăm không khác là mấy thậm chí là giống hệt? Tại sao có người cứ nuôi loại chim đó, không sổng thì…chết…Như tôi, tôi cứ nuôi ngũ sắc là y như vậy. Con đầu tiên được cậu bạn thân tặng, đẹp, hót nhiều chỉ ghét lộn cầu như…vận động viên thể dục dụng cụ. Nuôi em đó được vài bữa, thấy cũng hay hay thì một hôm sơ ý cài cóng thức ăn làm kênh nan lồng lên thế là em nó sổng mất. Vừa tiếc, vừa ngại. Tiếc vì em nó thuần quá rồi, lại mau mỏ, ngại vì thằng bạn thân vừa tặng. Trong thâm tâm quyết kiếm một em khác ngon ngon để vào lồng nếu thằng bạn có đến cũng đỡ…ôi riêu cái mặt. Thế rồi sau nhiều ngày tìm kiếm thì cũng vớ được một em ở Tăng Bạt Hổ. Hý hửng mang em nó về nhà. Lúc mua do thiếu kinh nghiệm nên không biết mặt em nó bị sứt, về nuôi một thời gian thấy em nó lao lồng như…cảm tử quân, mặt chảy máu te tua. Rồi một sáng, mở áo lồng ra thì thấy em nó nằm dưới…đáy lồng mặc dù cám và nước vẫn còn. Tôi tính hơi ương, mà cũng phần bị ức chế nên vẫn quyết tâm mua bằng được em Ngũ sắc khác để phục thù. Gần tết 2013, về quê, tình cờ vào quán chim gần nhà, thấy một em, tướng tá đẹp, vẫn hơi nhát nhưng mặt không bị sứt, ra giọng cũng ổn. Rút ví 150k, tôi thành chủ sở hữu. Để em nó ở quê cho ông già chăm và…đấy lại và… cách đây ít lâu ông già nhắn tin “Em ngũ sắc đã qua đời không hiểu vì sao”. Sau lần này thì tôi chừa. Không nuôi ngũ sắc nữa.

Hay như nuôi khuyên, tôi mua của con chị làm gần nhà một con khuyên, tướng tả chuẩn, múa cầu rất kinh, hót chuyện nhiều. Tôi nuôi em nó hơn 1 năm nhưng chưa bao giờ líu cho đúng nghĩa líu. Giỏi lắm cũng chỉ…vài mỏ. Hay những con khác do người cho, người tặng cũng vậy. Nuôi chỉ…tốn cám. Nên cũng rút kinh nghiệm…không nuôi nữa! Nói thế chứ cũng chưa biết thế nào vì cũng đang có kế hoạch…Tôi vốn tính ương mà!


Tôi thấy, nuôi chào mào có vẻ mình có duyên hơn chút, các em nó cũng sung, cũng hót, cũng ché, cũng múa cầu, ra cội chơi cũng tàm tạm không đến nỗi làm xấu mặt chủ (lắm hêhhe)

Thứ 2:
Chim cũng giống người. Mỗi con một tính, con thì ở bẩn, lười tắm. Con thích sạch sẽ, ngày nào tắm cũng được và tắm rất say mê. Con khảnh ăn, nếu ăn liền vài ngày một món thì…ăn rất ít. Con phàm ăn, cho gì ăn nấy, ăn hết thì thôi. Có con thích nhẹ nhàng, dịu dàng, có con ưa nắng, có con ngược lại tắm nắng một chút là tìm chỗ trốn…Từ đây, để người nuôi rút ra kinh nghiệm mà có chế độ chăm sóc các em nó cho phù hợp. Và điều quan trọng nhất là khi chăm và huấn luyện chim phải bằng tình yêu thì mới thú.

Từ điều này, tôi nghiệm thấy, tắm cho con cũng phải tắm như…chim. Có người sẽ cười tôi nhưng hãy để tôi giải thích. Khi con chim mới mua về, để dạy nó tắm cũng là cả một nghệ thuật. Anh em chia sẻ cũng nhiều kinh nghiệm nhưng có nhưng con mất khá nhiều thời gian thì mới biết tắm. Trẻ con cũng vậy, có đứa rất lười tắm. Mỗi lần tắm là lại phải doạ, phải quát, phải thậm chí là…vụt vào đít mới chịu tắm. Từ đó, tôi luôn nghĩ ra các chiêu trò để dụ con tắm. Kiểu như: “Nào đi tắm, bố sẽ gội đầu và tạo kiểu tóc chào mào mũ lân cho con”, lần sau lại “Lần này bố sẽ làm chào mào mũ đinh với tóc của con”…Tôi làm vậy biến việc với trẻ con là rất khó chịu thành một trò chơi và thế là nó chịu tắm thôi. Cũng như chim, bạn hãy để nó tự nhiên, nó tự học những con khác thì rồi nó sẽ…tắm.


Thứ 3
: Có người nói “Hãy nói bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai”. Còn tôi, tôi nói “Hãy nói bạn thích chơi chim gì, tôi sẽ nói tính cách của bạn thế nào”. Đúng là, mỗi người chơi có sở thích riêng, người thích chào mào vì khi em nó hót đấu tất cả các bộ phận trên cơ thể của em nó như những vũ khí lợi hại: từ cái yếm, cái mào đến tỏ thái độ bằng cách bung cánh, múa cầu, rồi sổ giọng hót, ché doạ nạt đối thủ. Ôi sao mà oai hùng đến thế. Có người lại thích chơi cu gáy. Tiếng cu gáy thật thanh bình. Nó như đưa ta trở về với những miền quê yên tĩnh với đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, với luỹ tre, giếng nước, sân đình…với những điệu sáo diều vi vu mỗi chiều hè oi ả…

Thứ 4
: Và chính nhờ chăm chim tôi rút ra một bài học. Chăm con chẳng khác gì chăm chim. Bởi đơn giản, trẻ con chưa nhận thức được như người lớn, chẳng khác gì bạn nuôi một con chim bổi. Tại sao chúng ta có thể ngồi 15 phút cầm sâu cho chim ăn để tập chim nhanh thuần mà ta lại không thể dùng 15 phút để giảng dạy cho con cái việc này đúng, cái việc kia sai? Tại sao chúng ta phải nhẹ nhàng với chim, lo cho chim miếng ăn, giấc ngủ mà lại không thể nhẹ nhàng với con, chăm sóc con như thế? Bạn có thể quăng lồng, đập lồng, đánh chim nếu như em nó mãi không chịu sang lồng tắm, hoặc dùng vòi nước thật mạnh xịt vào chim để chim tắm không? Vậy tại sao bạn lại quát con, đánh con nếu nó không chịu ăn? Một con chim sẽ sinh nhiều tật lỗi nếu bạn cứ ép nó quá cũng giống như đứa trẻ sẽ bị “chột” nếu chúng ta tạo áp lực lên nó quá! Khi bạn cho con ăn một thứ gì nhiều quá, hoặc doạ nó một điều gì nhiều quá sẽ vô tình tạo vết tỳ ám ảnh trẻ sau này và rất khó để xoá đi ký ức ấy. Thay vì dùng các “biện pháp mạnh”, tôi nghĩ chúng ta nên xử dụng biện pháp “nhẹ”. Và câu “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome” thật đúng với cách chăm chim và đặc biệt là cách chăm con. Khi ta muốn đạt mục đích, nếu đi con đường đó mà thấy chướng ngại vật thì tốt nhất không nên tìm cách phá, tìm cách đào…bởi mọi cách đều làm hỏng con đường. Thay vì đó, ta nên tìm con đường khác và chắc chắn sẽ có một con đường để ta đến được đích.

Thứ 5: Chơi chim sẽ giúp con người ta sống có trách nhiệm hơn. Khi bạn đã chơi chim bằng đam mê, bằng tình yêu thì ngoài chuyện bạn sống có trách nhiệm với chính những chú chim yêu quý của mình bạn sẽ có trách nhiệm hơn với những người khác. Tôi xin đơn cử, hai việc chúng ta cùng phải làm một lúc đó là việc chăm chim và việc chăm gia đình. Vẫn biết, khó để ai có thể làm tốt hai việc cùng một lúc nhưng chính vì đam mê, vì tình yêu mà chúng ta có thể phân chia quỹ thời gian cho hợp lý để bảo đảm làm tốt cả hai việc. Có anh em đã chia sẻ “Chơi chim là nghiền, là tốn tiền nhưng lơ là một số thứ là phiền”. Câu này quả thật rất đúng, bạn cứ thử mải chăm chim quá mà vô trách nhiệm với con, với gia đình xem…chim của bạn một ngày sẽ có cánh mà cũng không bay được, lồng của bạn có dù nhiều nan nhưng chỉ còn xương…mà thôi!

Từ lúc có chim, cuộc sống của tôi thay đổi nhiều. Tôi dậy sớm hơn để…chăm chim, cho cám, cho nước, tập cho các em nó quen với chủ, thuần các em nó bằng cách đút sâu cho các em nó…Tôi chăm chỉ ở nhà hơn vì…chăm chim. Tôi thích ở nhà nhiều hơn để…ngắm chim. Quan hệ của tôi với anh đầu bếp cũng trở nên thân hơn nhờ chủ đề chim. Mỗi lần đi đâu, trời đổ mưa bất chợt, lại một cú phone, bác ấy lại khẩn trương cất hộ chim. Và tất nhiên, mỗi lần bận đi công tác, bác ấy lại là người…chăm chim giúp tôi. Từ lúc chơi chim, tôi có thêm nhiều mối quan hệ hơn. Khoảng cách vùng miên gần như được xoá nhoà bởi niềm đam mê. Từ những người chỉ biết mặt qua ảnh, chúng tôi thành những người bạn, từ những người chỉ vài lần nói chuyện, chúng tôi thành những người tâm giao. Và một lần nữa, chữ Duyên lại hiện diện. Và giờ đây, với tôi mọi thứ đều liên quan tới…chim. Từ việc hỏi vợ “Em ơi hôm nay nhà mình có hoa quả gì nhỉ?” Vợ lại hiểu ý để dành ít hoa quả cho chim. Mà tôi được cái số…sướng! Từ lúc biết tôi thích chơi chim, vợ tôi cũng tâm lý lắm. Tạo mọi điều kiện để tôi hết lòng với đam mê của mình. Từ việc cùng chồng nghiên cứu xem làm giàn treo chim ở đâu cho tiện, đến việc đi sắm sửa lồng chim với chồng, rồi chẳng quản mưa gió đi hái phèn cho…chào mào mùa thay lông…Khi nói ra chuyện này, nói thật, sẽ có nhiều người GATO lắm đó, và cũng nhiều người nói tôi…chém gió. Nhưng sự thật nó vẫn là…sự thật.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom