gatre_Vt

Thành viên mới
Tham gia
28/12/07
Bài viết
1
Điểm tương tác
0
SVC$
0
:holiday:Làng gà chọi Vĩnh Thành

Xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách từ lâu vốn nổi tiếng là vùng đất cây lành trái ngọt. Nơi đây hình thành nghề trồng hoa kiểng truyền thống, sản xuất cây giống và trồng cây ăn trái tầm cỡ của Khu vực ĐBSCL và cả nước. Vĩnh Thành còn được biết đến là nơi còn lưu giữ nguồn gen các giống gà nòi quí hiếm. Bởi từ lâu đời, vùng đất trù phú này vẫn còn tồn tại nghề nuôi gà chọi, mà theo phương ngữ địa phương, người ta thường gọi là nuôi gà đá. Khác với nuôi gà thịt, gà đá phải là những chú gà trống mạnh khỏe, dũng mãnh, sẵn sàng ứng chiến với đối phương cho đến khi kiệt sức, mà theo cách ví của người chơi gà, đó là biểu hiện của tinh thần thượng võ.
Nghề nuôi gà đá ở Vĩnh Thành được bắt đầu từ cái nghề tiêu khiển hoa kiểng. Trong cái thú điền viên của các bậc nghệ nhân, bên chiếc lồng lánh lót tiếng chim, bên những cội mai già, những chậu bonsai với hình thù kỳ lạ, không thể thiếu chiếc bội bằng tre, trong đó là những chú gà kiểng suốt ngày lanh lãnh tiếng gáy. Trong cách nghĩ của người dân nơi đây, để tạo ra một con gà đẹp mã, tốt tướng, có bộ cựa sắc, đôi mắt tinh anh, khi đá trăm trận trăm thắng, cũng đòi hỏi quá trình chăm sóc kỳ công như nghề chơi hoa kiểng. Họ nuôi gà đá không phải để cờ bạc, đỏ đen. Cái chính là để tiêu khiển khi trà dư tửu hậu, mang đến niềm vui sau những ngày lao động mệt nhọc. Đó cũng là lối chơi tao nhã, sành điệu, mà mỗi nghệ nhân hoa kiểng cố tạo ra phong cách riêng cho mình. Cũng từ đây, sinh ra sự đam mê sưu tầm giống gà quí, rồi gầy dựng bầy đàn, phát triển thành làng nghề nuôi gà đá.
Bây giờ ở Vĩnh Thành, nuôi gà đá không còn là trò tiêu khiển, mà đã trở thành nghề gặt hái ra tiền, mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho nông hộ. Ở Ấp Bình Tây, Đông Nam, Tây Lộc, hầu như nhà nào cũng mê nuôi gà đá. Nếu chăm sóc tốt, ưng ý các tay chơi gà chuyên nghiệp tại các Trường gà lớn trong nước, thì mỗi con gà có giá vài triệu đồng. Cho nên ở đây, có chuyện người ta giăng mùng cho gà ngủ, cho uống nước phonten và vỗ về như em bé. Để đủ tiêu chuẩn là gà đá bán được giá cao, từ khi mới nở, người ta bắt đầu để ý tuyển lựa, đưa vào diện chăm sóc đặc biệt. Từ con gà con, nuôi trở thành gà đá phải mất 8 tháng. Trong thời gian này, gà phải trải qua nhiều cuộc tiểu phẩu giống như cắt cành, tỉa kiểng. Đó là bị cắt bớt mồng, gọt vảy, tỉa lông. Nhất là khi bắt đầu trổ mã, gà phải bị cắt hết những chiếc lông tơ dùng để phủ ấm. Sau đó, người nuôi gà lấy nghệ đỏ mài với rượu trắng, thoa lên khắp vùng mặt, mồng, giò và toàn thân, tạo ra vẽ mạnh khỏe, tráng kiện cho chú gà đá trưởng thành. Trước khi xuất chuồng bán cho các trường gà, chờ khi nghệ đỏ thấm khô, người ta tiến hành cho gà đá thử (gọi là xổ) để xác định độ ra đòn, sức tấn công và sự bền bĩ tác chiến của chúng nhằm bổ sung chế độ chăm sóc, bồi bổ và xử lý các khiếm khuyết. Thời gian này, chú gà sắp tung ra thị trường bị mang ra xổ nhiều lần, cọ sát với nhiều địch thủ mới định được thứ hạng, định được giá cả.
Từ xưa, khi nói đến gà đá, người ta chỉ nhớ đến gà nòi Đồng Tháp. Chất lượng giống gà nơi đây không nơi nào sánh bằng. Bởi vậy có câu:
“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”
Nhưng từ khi làng gà ở Vĩnh Thành ra đời và phát triển, theo nhận định của các tay chơi gà có tiếng, thì gà đá ở Vĩnh Thành không hề thua kém bất cứ nơi đâu. Một phần nhờ vào sự kiên trì, công phu chăm sóc vốn có sẵn trong mỗi nghệ nhân hoa kiểng. Một phần do xác định đây là nguồn lợi kinh tế chính đáng nên không ngại đầu tư. Họ thường xuyên du nhập, duy trì nòi giống các giống gà chất lượng. Trong đó, vấn đề trùng huyết qua các thế hệ đàn gà được loại dần, nhằm tạo ra giống gà khỏe mạnh phục vụ cho nghề nuôi gà đá.
Giữa cái nôi của làng hoa kiểng Chợ Lách xuất hiện làng nuôi gà đá nổi tiếng, đó là nét mới trong đa dạng hóa ngành nghề nông thôn hiện nay. Điều đáng nói ở đây là họ chỉ chuyên nuôi gà đá, không phải kinh doanh cờ bạc, không gây ra tệ nạn xã hội như cách nhìn thiển cận của một số người. Họ xem đây là nghề làm kinh tế giống như bao nghề khác, rất cần được quan tâm, tạo điều kiện để nghề này phát triển, mang lại lợi ích cho người dân.
Trích từ báo thanh niên.
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom