Guest viewing is limited

VNN

Cơ trưởng
Tham gia
12/9/07
Bài viết
633
Điểm tương tác
6
SVC$
0
LỜI GIỚI THIỆU
Trong vài năm gần đây, ngành cá cảnh cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc xuất nhập khẩu cá cảnh. Từ đó, ngành đã giúp những người trong nghề có thêm những giống cá mới để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến giống cá La hán với cái đầu gù đã từng gây nên một cơn sốt trên thị trường cá cảnh không chỉ tại Việt Nam mà còn cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Malaysia, Singapore, Thái Lan, …

KHÁI QUÁT VỀ CÁ LA HÁN
Họ: Cichlids.
Tên khoa học: Cichlasoma
bifasciatum.
Tên tiếng Anh: Flowerhorn (Hoa sừng).
Tên tiếng Hoa: Hua Luo Han (Hồng Lô Hán).
Tên Việt Nam: Hoa La hán, La hán.

Nếu các loài cá cảnh hiện nay được tìm thấy từ thiên nhiên, sau đó được mang vào bể cá thuần hóa thành cá cảnh, thì nay mọi người lại phải nghĩ theo hướng khác vì cá La hán là loài nhân tạo 100%. Chúng hoàn toàn không phải là tác phẩm của thiên nhiên mà là kết quả trong nhiều năm nghiên cứu lai tạo của những người nuôi cá cảnh chuyên nghiệp tại Malaysia và Singapore. Hiện nay, nguồn gốc của cá La hán được cho là hình thành qua lai tạo từ các loài cá: Cichlasoma Trimaculatus, Cichlasoma Festae, Jingang Blood Parrot. Sau khi giống cá này xuất hiện và được tung ra thị trường, lập tức chúng được những người yêu cá và công chúng trên khắp khu vực châu Á đón nhận, đặc biệt là các nước có nhiều người dân theo đạo Phật. Vì người ta cho rằng chúng mang vận may, sự giàu sang và sung túc đến cho gia đình của mình.
Cũng như đã được đề cập từ những ấn phẩm Cá cảnh trước, cá La hán được nhận định là một loài cá dữ, chúng không thể sống chung, ngay cả lúc vừa được một tháng tuổi đã có những biểu hiện tranh giành lãnh thổ và thức ăn. Chính vì vậy mà khi nuôi từ hai con trở lên, chúng ta nên ngăn chúng ra bằng một tấm kính.
Thông thường, sự tạp giao để cho ra đời một dòng cá mới và tiếp tục cho chúng sinh sản là điều rất khó, điển hình là giống cá Hồng két chúng không thể cho ra những đứa con mặc dù chúng vẫn đẻ trứng. Nhưng cá La hán đã vượt qua được cái quy luật ấy, bằng chứng là nếu ai trong mọi người sở hữu được một cặp cá La hán đều có khả năng cho chúng ép đẻ được. Chính vì vậy mà hiện nay có nhiều dòng cá La hán mới có màu sắc sặc sỡ, đa dạng và đặc biệt là cái đầu gù ngày càng to hơn, chẳng hạn như: Blue Dragon, Red Dragon, Supper Red, King Kamfa, Red Texas, Big head, …

NHỮNG CHUẨN MỰC ĐÁNH GIÁ VỀ CÁ LA HÁN
1. Thân cá
Thân cá nên là hình bầu dục, rộng và dày, không quá dài, không có tì vết nào. Cũng có một vài biến thể (đột biến gen) thân ngắn và tròn được gọi là La hán bonsai.
2. Miệng cá
Miệng cá ngắn, đầy đặn, cân đối với khuôn mặt của cá, không có khuyết tật nào.
3. Mắt cá
Mắt cá tùy thuộc vào giống cá như: Blue Dragon, Kamalau,… mắt phải có màu đỏ sâu và trong, còn các giống cá như Kamfa, King Kamfa, Supper Red, … mắt phải có màu vàng nhạt đến tươi. Nhưng nói chung, mắt cá phải tròn, nằm cân đối hai bên đầu, luôn hướng về phía trước. Nhìn vào thấy mắt cá lanh lợi, quan sát liên tục như muốn khám phá một điều gì đó.
4. Đuôi và vây cá
Đuôi cá mở rộng tạo thành hình tròn hoặc tam giác. Vây lưng và vây hậu môn phải căng, chóp vây kéo càng dài càng tốt. Xương đuôi và vây thẳng và dài, không có xương nào bị cong hoặc gãy.
5. Đầu cá
Đây là bộ phận mà người nuôi cá La hán đặc biệt chú ý. Đầu cá phát triển phải phù hợp với lứa tuổi của cá, tròn trịa và cân đối với cơ thể cá. Một con cá La hán oai phong, hùng dũng là một con cá có một chiếc đầu phồng to nhưng cũng phải thật sự cân đối. Đầu cá chỉ được đánh giá là đẹp khi nó tạo nên sự nhất quán giữa cơ thể và đầu cá. Nhiều người cho rằng nếu đầu cá quá to. Khi đó, chúng không còn là cá nữa mà trở thành một con “quái vật đầu bự ”. Một điều nữa, là nếu đầu cá quá to thì ít nhiều nó cũng gây cản trở trong hoạt động ăn uống của chúng. Đầu cá La hán có thể chia làm hai loại: đầu hơi và đầu xương (tham khảo ấn phẩm Cá cảnh số 2 tháng 8 năm 2005).
6. Mang cá
Nắp mang phẳng, khi cá thở mang phải đóng mở nhịp nhàng, nắp mang khép kín khi đẩy nước ra ngoài. Mang không bị hở hoặc dị tật.
7. Màu sắc cơ thể
Tùy thuộc vào giống cá. Nhưng thông thường, chúng có màu đỏ kéo dài từ gò má đến vùng bụng. Hoặc là màu đỏ sẽ bao trùm cả cơ thể. Nhưng quan trọng nhất vẫn là độ sâu và độ sáng của màu. Đặc biệt là không nổi những sọc màu đen trên thân của cá.
8. Hoa (chữ) trên thân cá
Những hàng chữ ở hai bên thân cá cũng rất đa dạng. Có thể chia thành ba cấp độ để đánh giá:
+ Cấp độ 1: Hoa kéo dài từ gốc đuôi đến tận nắp mang.
+ Cấp độ 2: Hoa kéo dài từ gốc đuôi đến nửa thân cá.
+ Cấp độ 3: Hoa ít hơn nửa thân cá.
Hoa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: hoa ở hai bên thân cá có cân bằng hay không, có nổi bật hay không; hoa dính liền, tách rời, hay hoa có bị nát hay không; hoa trên thân có giống chữ hay bất cứ hình dáng nào khác; hoa có một hay hai hàng, … Tất cả các yếu tố ấy đều quan trọng như nhau.
Chúng ta còn thường thấy ở hai bên đầu cá còn có hai “hoa tai” lớn. Một số giống cá La hán không có hai “hoa tai” này. Nhưng hãy yên tâm, vì đó là hình thái bên ngoài của chúng mà thôi. Và cũng không phải giống La hán nào cũng có hoa trên thân. Một số giống cá lúc nhỏ có hoa, nhưng khi lớn lên, hoa trên thân của chúng tự động biến mất mà người ta vẫn gọi là “lột xác” hay “lột chữ”.
9. Hạt châu
Đó là những mảng, điểm sáng xanh hoặc vàng trên vảy của cá. Những điểm sáng này có người gọi là ngọc trai hay trân châu. Những giống cá La hán đầu tiên không có châu trên thân hoặc có nhưng cũng rất ít. Ngày nay, với sự đang dạng về chủng loại cá La hán, thì châu trên thân những con cá cũng xuất hiện nhiều, có con thì nửa thân trước, có con thì nửa thân sau, nhưng cũng có con châu phủ toàn thân lấp lánh như một hòn ngọc.
Và tất cả những điều được đề cập ở trên có thể sẽ là tiêu chí giúp mọi người chọn được một chú cá đẹp.

CÁCH NUÔI CÁ LA HÁN
Trước khi đón một con cá về nhà của mình, ai cũng muốn tìm hiểu xem con cá ấy sức sống như thế nào, nhu cầu sống ra sao, cá nuôi dễ hay khó,… Và hãy vui mừng rằng cá La hán là một loài cá cực kỳ dễ nuôi và chăm sóc. Chúng cực khỏe mạnh, lớn nhanh đến kinh ngạc, thích ứng nhanh với hầu như mọi môi trường mà các loài cá cảnh khác không sống được.
Bể nuôi cá La hán
Kích thước của La hán có thể dài trên 30cm hoặc ngắn hơn do di truyền từ cha mẹ. Chính vì vậy mà bể có kích thước tối thiểu phải là 0,6m x 0,3m x 0,4m. Nếu người nuôi có điều kiện nên chọn bể từ 0,8m x 0,4m x 0,5m trở lên để tạo không gian thoải mái cho La hán phát triển toàn diện. Việc trang trí cho bể nuôi La hán là không thể được, vì cá La hán là loài rất hiếu động, thích sự dàn trải trong không gian rộng nên bất cứ những gì cản đường chúng đều lật đổ. Mặt khác, vì cá La hán có kích thước lớn, nếu bơi trong bể có trang trí hòn non bộ hay cỏ giả dễ gây ra những vết trầy xước bên ngoài hoặc có thể gây ra những tai nạn không đáng có. Vậy thì tốt nhất là bể nên trống hoặc có thể đặt vài viên sỏi để chúng có công việc để làm, vận động cơ thể, tránh ù lì quá mức và cũng để duy trì tập tính tự nhiên của chúng. Nếu bạn nuôi chung nhiều cá La hán trong một bể thì hãy ngăn chúng ra bằng những tấm kính, điều này không chỉ giúp chúng khỏi những tranh chấp mà còn khiến con cá của bạn trở nên sung mãn hơn.
Môi trường nước
Cá La hán không đòi hỏi khắt khe về chất lượng nước. Cũng như các loài cá khác, nếu bạn sử dụng nước máy hãy chứa nước trong một bể khác cho bay hết Clo trong vòng 24 giờ (có thể để máy sục khí). Nhưng bạn cũng nên chú ý về độ pH và độ cứng của nước. La hán cũng đòi hỏi về độ pH một chút, đó là từ 7,5 - 8,0. Để duy trì môi trường nước ổn định, bạn hãy thay nước mỗi tuần một lần. Trong bể thả một ít san hô để duy trì sự ổn định về pH. Hãy chú ý về những thay đổi của cá đối với môi trướng nước.
Hệ thống lọc
Cá La hán là loài cá dễ nuôi, chúng có thể sống ổn mà không cần máy lọc. Nhưng để cá có thể thể hiện hết vẻ đẹp của chúng, bạn nên tạo một hệ thống lọc giúp nguồn nước trong bể sạch hơn. Hệ thống lọc cần có những ưu điểm sau:
+ Lọc phải có hiệu quả cao.
+ Động cơ phải đủ công suất.
+ Hệ thống phải vệ sinh dễ dàng.
+ Lọc tránh bị nghẹt khi bẩn.
Nhiệt độ
Cá La hán là cá nhiệt đới, vì vậy cá phát triển trong môi trường có nhiệt độ từ 200C - 300C. Nếu nhiệt độ quá lạnh, cá dễ mắc các bệnh ngoài da và bệnh về đường tiêu hóa. Những người nuôi cá khuyên rằng nên nuôi La hán với nhiệt độ từ 280C - 310C.
Lợi ích của muối đối với cá
Chúng ta ai cũng biết muối là một “chất” sát khuẩn tốt. Khi cho muối vào bể nuôi, muối trở thành một liều thuốc sát khuẩn giết chết các kí sinh mà không gây độc hại cho cá. Muối phân li tạo thành các điện tích Na+ và Cl- cung cấp cho môi trường xung quanh giúp môi trường sống của cá được ổn định. Từ đó, muối làm cho cá có cảm giác như đang sống ngoài “ngôi nhà” thiên nhiên. Thông thường, muối thả vào bể cá là muối hột (dạng tinh thể), hoặc muối bột bình thường. Tuyệt đối không sử dụng muối có Iod, vì đó là hóa chất có thể giết chết cá.
Ánh sáng cho bể
Mặc dù là cá nhưng vì được nuôi dưỡng trong bể nên La hán cũng cần ánh sáng đèn giống như người cần ánh sáng mặt trời. Mục đích đầu tiên của việc đặt đèn là giúp chúng ta thấy cá đẹp hơn và đèn đặt trên bể nuôi La hán thường là đèn hồng. Vì sao như vậy? Câu trả lời là: cũng như da người, da và vảy cá cũng hấp thu các sắc tố phát ra từ đèn làm da và vảy cá trở nên đậm hơn, rực rỡ hơn, còn da người hấp thu từ mặt trời - chính vì vậy mà da người mới hơi ngăm. Trong một ngày cần đảm bảo bật đèn và duy trì ánh sáng đèn từ 8 giờ - 12 giờ sẽ giúp cá của bạn có màu sắc đẹp và dạn dĩ hơn.
Thức ăn của cá La hán
Cá La hán là một loài cá háu ăn. Cá ăn hầu hết những loại thức ăn mà các loài cá cảnh thông thường ăn được. Sau đây, là một số thức ăn có thể tìm thấy dễ dàng tại tiệm cá cảnh hoặc tại các chợ:
1. Giun chỉ và bo bo (trứng nước, hồng trần)
Là nguồn dinh dưỡng cao, dành cho cá lúc còn nhỏ, còn cá La hán lớn thường chê loại thực phẩm này. Nên rửa sạch trước khi cho cá ăn.
2. Lăng quăng
Là ấu trùng của muỗi, chứa nhiều các chất dinh dưỡng. Khi cá gần đẻ, nên cho cá ăn nhiều vì theo các chuyên gia, lăng quăng chứa nhiều hocmon kích thích sinh sản.
3. Cá con
Thường là cá trâm, cá lóc con (lòng ròng), … tiện lợi, giá rẻ, cũng chứa nhiều dinh dưỡng nhưng cần chú ý vì có thể ẩn chứa mầm bệnh.
4. Tôm hoặc tép
Là nguồn dinh dưỡng giúp hỗ trợ tăng sắc đỏ của cá. Tôm, tép mua về nên cắt bỏ đầu, lột vỏ cứng, sau đó đông lạnh cho ăn dần. Chú ý những con bọ bám trên mình tép, nên loại bỏ chúng trước khi cho cá ăn.
5. Thịt bò
Thịt bò rất giàu chất đạm và protein cung cấp năng lượng hoạt động cho cá. Mua loại thịt bò tươi, xay nhuyễn và đông lạnh cho ăn dần. Có thể trộn thêm tép và tảo Spirulina để tăng dinh dưỡng và loại bỏ mùi tanh của thịt bò. Tránh cho cá ăn quá nhiều có thể gây sình bụng.
6. Các loại thức ăn hạt khô
Thị trường có rất nhiều loại, chẳng hạn như: Grand Sumo, Azoo, JBL, Tetra, JC, …Chúng ta nên tập cho cá quen dần với thức ăn hạt khô để bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết và cũng là tiết kiệm chi phí cho ăn.
Cách cho cá ăn
Tùy theo sở thích và thói quen của mỗi người mà có thể cho cá ăn hai hoặc ba lần trong ngày. Đối với cá nhỏ, nên cho cá ăn ba hoặc bốn lần trong ngày. Còn với cá lớn, ta giảm bữa ăn xuống, nhưng lượng thức ăn trong một bữa nên tăng lên cho cá vừa đủ no và cũng để kích thích sự thèm ăn của cá. Các bạn cũng có thể xen kẽ khẩu phần ăn của cá bằng thức ăn khô. Chú ý, không nên cho cá ăn quá no dẫn đến tình trạng cá không tiêu gây sình bụng.
Thay nước định kì
Thay nước định kì là một thao tác đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Khi thay nước là các bạn vừa loại bỏ được lượng amoniac (NH3) dư thừa trong bể mà vi sinh vật không thể phân giải hết và đã tạo ra một “bầu không khí” trong lành cho cá. Có rất nhiều cách thay nước định kì. Đó có thể là mỗi ngày, đó cũng có thể là một hay hai tuần. Tùy theo khoảng thời gian rảnh mà các bạn có thể dành cho cá. Khi thay nước mỗi ngày thì các bạn nên thay khoảng 20% lượng nước đang có trong bể. Còn một tuần trở lên thì hãy thay khoảng 50% lượng nước đang có trong bể. Hãy hút thật sạch lượng phân cá sót trong bể trong lúc thay nước. Sau khi thay nước xong nên nhớ bỏ vào bể một ít muối. Nói chung, chúng ta cũng nên quan tâm chăm sóc cá như chính bản thân mình.

LỜI KẾT
Như vậy, có thể nói rằng nuôi cá La hán khá dễ. Nếu các bạn không nuôi được cá vàng hay cá dĩa thì hãy chọn ngay một chú La hán để nuôi, hay có thể gọi là “luyện tay nuôi cá”. Với bản tính hiếu động, dạn dĩ của mình, cá La hán có thể sẽ trở thành một người bạn, giúp bạn quên đi mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Chắc rằng chú cá của các bạn cũng sẽ chiếm được cảm tình của những người xung quanh, và mọi người sẽ có thêm một niềm vui mới trong cuộc sống

Nguồn : Nuhoangkimcuong.com
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom