Guest viewing is limited

TDP

"...một đam mê, một dại khờ, một tôi..."
Thành viên BQT
Tham gia
9/9/07
Bài viết
1,657
Điểm tương tác
194
SVC$
0
"Đi săn" cá "vua" trong làng Yên Phụ (Hà Nội)

(VietNamNet) - Hàng vừa về, các chủ cá ở Hà Nội cùng dân chơi rùng rùng kéo đến, xúm xít ngắm nghía. Con cá Rồng bé chỉ bằng cái bật lửa nhưng giá bắt buôn đã là... 5,5 triệu đồng.

images1428845_yen%20phu.jpg


Cổng làng Yên Phụ (Ảnh: C.Đ)


Đèn pin soi cá
8h30 tối, trời mưa bải lải, Q. gọi điện: "Ông mặc áo mưa lên ngay làng Yên Phụ". 15 phút sau có mặt ở cổng làng, đã thấy Q. và một người nữa đứng đợi, anh vẫn làu bàu: "Chậm chạp quá".
Quặt quẹo liên tục qua hàng loạt ngõ ngách, địa chỉ chúng tôi vào là cửa hàng cá cảnh Hạnh Vũ. Hàng (cá) vừa đánh về từ Trung Quốc, xếp đầy trong các loại thùng xốp, nilon. Chủ các cửa hàng cá tiếng tăm của Hà Nội cũng đều có mặt để lấy hàng. Q thì thào: Bà kia là Yến, vợ ông Thịnh Láng (ý nói cửa hàng cá ở ngã 3 Thái Thịnh II - đường Láng- P.V); kia là tay ở đầu ô Chợ Dừa; kia nữa, người nhà ông Thắng đen trên Hàng Đậu...
Kinh nghiệm gần chục năm chơi cá khiến Q. biết mặt hầu hết dân buôn. Theo lời Q., làng Yên Phụ bây giờ không còn người nuôi cá bột lớn lên để bán nữa, tất tật các loài cá là hàng Trung Quốc đánh về, vừa nhanh kiếm lời, lại vừa đa dạng chủng loại. Mà bây giờ cả làng hầu như cũng chỉ còn mình Vũ - một tay buôn trẻ tuổi - hàng tháng chịu khó lặn lội qua biên giới gom hàng về đổ buôn.
Vũ giơ tay chỉ về một góc cửa hàng, Q. liền vẫy chúng tôi tiến lại. Ở đây có 3 bọc cá Rồng (tên quốc tế là Arowana) nằm riêng biệt. Móc trong túi quần ra một chiếc đèn pin nhỏ xíu nhưng sáng trắng, Q săm soi từng bọc nilon. Một bọc có 3 con được soi kỹ nhất, Q. và người bạn đi cùng thì thào trao đổi một lát và quyết định bắt một chú trông nhỉnh hơn... chiếc bật lửa ga. Vũ ra giá 6 triệu, sau bớt 500 ngàn.
Ra đến cổng làng, Q. hí hửng: "Con này chuẩn nhất đấy, thuộc dòng Cao Lưng Hồng Vĩ (highback arowana), nếu để lọt đến sáng mai có thằng khác bắt mất ngay. Con này mà ra đến chợ, giá không dưới 7 triệu". Hắn giải thích về cái đèn pin: "Cá từ Tàu về, được bọc trong hai lần nilon dày, nước thì bị đánh thuốc đục lờ lờ, cá lại bơi lẫn lộn 2-3 con. Nếu không có đèn thì đừng nói chuyện kinh nghiệm, đến mắt thánh nhìn cũng không chuẩn được".

Vỡ lòng về loài cá "vua"
3 hôm sau, Q. lại gọi điện. Lần này địa điểm chuyển sang phố Đoàn Thị Điểm. Đúng là nếu không có dân chơi dẫn đường thì không thể nào biết được đường vào hàng cá - đó là ngách 68/8. Chủ cửa hàng tên Sơn, chỉ chừng 25 tuổi. Q bảo, dân chơi cá Rồng mà lên Hàng Đậu, Hoàng Hoa Thám (mấy phố chuyên bán cá cảnh tại Hà Nội - P.V) để mua thì chỉ là dạng amateur. "Chuyên nghiệp" rồi thì phải tìm hàng đầu nguồn, vừa rẻ, và quan trọng là săn được cá đẹp.

images1428849_ngo%2068.jpg


Nếu không có người dẫn đường khó có thể biết được ngõ vào cửa hàng cá của Sơn (Ảnh: C.Đ)

Trong một căn nhà cấp 4 có khoảng 30 chiếc bể kính, mỗi chiếc chừng 1m2, xếp chồng tầng lên nhau. Bể nào cũng được dán giấy đen kín mít tứ phía, chỉ chừa lại mặt trước là kính trắng. Tiếng máy bơm nước chạy rào rào như... công ty cấp nước. Q. ban đầu là khách, sau thành bạn của Sơn, nên đến chơi ngắm cá vô tư, lại còn có trà mạn uống.
Nhiều hàng khác không thế, họ đề phòng những vị khách "mắt trước mắt sau" búng ngay hạt gạo đỏ (dân chơi cá gọi lóng viên thuốc diệt chuột - P.V) vào bể cá Rồng của cửa hàng. Những vị khách "lởm khởm" này chắc chắn là "đặc phái viên" của những cửa hàng khác. Kiểu cạnh tranh không lành mạnh này tuy không phổ biến nhưng đã từng diễn ra.
Cửa hàng của Sơn nói chung có đủ các dòng cơ bản của cá Rồng. Q. bắt đầu vừa chỉ vừa dạy "vỡ lòng" cho tôi về cá Rồng. Cơ bản có 3 loại rõ rệt nhất: Kim Long Hồng Vĩ, Huyết Long và Quá Bối Kim Long. Các loại khác như Ngân Long, Kim Úc, Thanh Long thì ít người chơi vì tuy cũng là cá Rồng nhưng màu sắc không đẹp và giá trị thấp, dưới 700 ngàn.
Còn một số biến thể khác của 3 loại phía trên, ví như đối với Huyết Long (ở nước ngoài chỉ có một tên là Super Red Arowana) nếu bị nhạt màu đỏ đi một chút thì được các chủ cá gọi là Hồng Long, chủ yếu cho... dễ bán.
Theo Q., khoảng hơn một năm lại đây giá cá Rồng đã giảm xuống do hàng từ Trung Quốc đánh về nhiều. Ví dụ như một con Kim Long Hồng Vĩ loại thường giờ chỉ còn khoảng trên dưới 4 triệu đồng, giảm đến 1/3 so với trước đây. Huyết Long và Quá Bối thì đắt hơn rất nhiều. Trước đây, giá của 2 loại này không dưới 2.000 USD, giờ thì phải loại xuất sắc mới có giá này, còn bình thường rơi xuống khoảng 1300-1500 USD.
Tuỳ từng loại mà tiêu chí đẹp khác nhau, nhưng tựu trung có một số điểm phải chú ý: Râu; vây, càng, đuôi; màu sắc; vảy và dáng. Thiếu điểm nào mất giá trị con cá điểm đó, có khi đáng giá 2.000 USD mà chẳng may mất một râu thì bán 500 USD cũng chẳng ma nào rước.
Cao Đỗ
 

TDP

"...một đam mê, một dại khờ, một tôi..."
Thành viên BQT
Tham gia
9/9/07
Bài viết
1,657
Điểm tương tác
194
SVC$
0
Bài 2

Đua mốt chơi cá Rồng cầu may

(VietNamNet) - Được cho là loại cá Tài Lộc nên chúng được nâng niu như vật quý trong nhà, lỡ chết là gia chủ cuống cuồng lo...đen đủi. Mỗi con giá hàng chục triệu đồng, vẫn "đắt" người chơi. Thức ăn khoái khẩu của loại cá này là... rết!

images1428853_an-ret.jpg


Mồi ăn ưa thích của cá Rồng là rết (Ảnh: Aquabird.com.vn)


Vì sao cá Rồng lại đắt tiền?
Thật khó hiểu khi con cá bé tí lại có giá hàng chục triệu đồng - ngang với một chiếc xe máy tốt, mà vẫn có rất nhiều người chơi. Thực ra cá Rồng là loài cá "đô con", tuy lúc bé chỉ bằng chiếc bật lửa, nhưng khi trưởng thành chúng dài đến hơn 60cm. Mỗi chiếc vảy cá Rồng lúc đó to như miệng chén uống nước - điểm khác biệt nhất so với các loại cá khác - trông như lớp áo giáp, cộng thêm những phần râu, vây và màu sắc lúc này cũng đã phát triển, trông chúng rất hùng dũng.
Cá Rồng cũng là loài có tuổi thọ cao vào hàng nhất nhì trong các loài cá. Thường thì để đến khi chúng trổ mã hết phải mất 5-6 năm, từ khi đó chúng còn sống thêm hàng chục năm nữa trong điều kiện được chăm sóc tốt. Thời gian dài gắn bó với chủ nuôi chính một trong những yếu tố khiến chúng có giá cao.
Cá Rồng đắt còn vì chúng được xếp vào hàng động vật cực kỳ quý hiếm. Tên chúng có trong sách đỏ dù rằng thực tế hiện nay cũng chẳng mấy "hiếm", các trại cá của Malaysia, Singapore hay Thái Lan vẫn cho đẻ sòn sòn và xuất đi các nước.
Cuối cùng là do tâm linh, ai nuôi loài cá này cũng đều cho rằng đó là con cá Tài Lộc, đem lại sự may mắn trong nhà. Vậy mới có chuyện trước kia cá hiếm, khi nhập trạch một con cá Rồng về nhà, ngoài việc xem hướng bể, thậm chí người ta còn... thắp hương. Giờ nguồn cá sẵn, mang về người nuôi cũng chỉ coi như con vật quý trong nhà, lỡ có để chết cũng không đến nỗi cuống cuồng sợ... đen đủi kéo về.

Những loại thức ăn kỳ dị
Thông thường người ta cho cá Rồng ăn tôm, cắt bỏ phần đầu (tránh kiếm tôm đâm thủng ruột cá) rồi bỏ tủ lạnh ăn dần. Vỏ tôm có tác dụng lên màu rất tốt cho lớp vảy Rồng. Thịt bò cũng là loại thức ăn tốt nhưng đắt. Tuy nhiên thức ăn mà cá Rồng thích nhất lại là... gián và thạch sùng.
Q. tự hào bảo tôi rằng, nếu kẻ nuôi cá Rồng nhìn thấy gián mà không sáng mắt lên là chưa biết nuôi. Anh có thể thản nhiên tóm bằng tay không con vật hôi hám ấy ném vào bể cá. Q. bật mí: không bao giờ được phép cho cá ăn gián ở cống vì rất có thể chúng đã bị xơi phải bả thuốc diệt gián nhưng chưa chết, ném vào bể cá đớp phải là lìa đời.

images1428857_bia-cmnd.jpg


Bìa "Chứng minh thư" của cá Rồng (ảnh: Aquabird.com.vn)


images1428861_ruot-cmnd.jpg


Ruột "chứng minh thư" ghi rõ số seri của từng chú cá (Ảnh: Aquabird.com.vn)

Thạch sùng thì Q. xử bằng dây thun, "tét" một phát là đứt đuôi rơi từ trần nhà xuống. Khoảng dăm con thạch sùng là cá được một bữa no. Cá nhà Q. còn từng được xơi... chuột bao tử: "Tớ lật đám gỗ bếp lên thấy 6 con đỏ hỏn, bằng đốt ngón tay, thế là cho cá xơi hết luôn".
Ở Hà Nội, giờ giới chơi cá Rồng còn truyền nhau cách nuôi sâu Tàu (gọi là super worm). Đó là một loại sâu khá to, có vỏ cứng. Mỗi con sâu được bỏ vào một cái vỏ đựng phim máy ảnh (hay một đoạn ống nước cắt khúc), nuôi một thời gian sẽ biến thành bọ cánh cứng, sau đó lại đẻ ra trứng, nở thành sâu. Cá Rồng ăn loại sâu này sẽ bị nghiện, rất khó để chúng ăn trở lại các thức ăn khác.
Nhưng trên hết thảy tất cả các loại thức ăn trên phải kể tới rết. Một số hàng cá tại Hà Nội bán rết Trung Quốc với giá 10 ngàn đồng/con, Q. sang Trung Quốc thấy giá chỉ có 4 ngàn, anh khoái quá, vác về nguyên cả đàn. Con nào con đấy to như ngón tay út, dài cả gang tay, đuôi răng đầy đủ. Báo hại vợ anh nhìn thấy... hét như còi.

... Bể nuôi gây shock!

Lang thang nhiều ngày trời cùng Q. thăm hàng chục tay chơi, tựu chung lại thấy bể nuôi cá rồng... rất phức tạp. Chỉ riêng một chiếc đèn chiếu sáng đã có giá tới 600-700 ngàn đồng (mà bể bé nhất chí ít cũng phải hai đèn). "Chơi cá là chơi đèn" - đó là câu nằm lòng của dân chơi cá Rồng. Mỗi dòng cá là một loại đèn khác nhau: màu gì? bật mấy tiếng/ngày?... nên riêng nghệ thuật chơi đèn cũng đủ để học cả năm, may ra con cá trông mới đạt phẩm cấp.
Nhà bé thì đừng nghĩ đến chuyện dựng bể, chí ít cũng phải 1m5 chiều dài trở lên. Chiều rộng thì phải 70cm, nếu không muốn con cá lớn lên bị gù. Phông và nền bể (backgroud) hiện nay được xài chủ yếu là các màu đen, xanh nước biển và trắng. Tuỳ đặc tính của từng loại Huyết Long hay Quá Bối mà xài phông.
Quan trọng nhất trong nuôi cá Rồng là chất lượng nước, đây là môi trường sống của con cá. Đi với mấy tay chơi cá thấy họ phóng vù vù xe máy trên đường, bụi bặm chẳng thành vấn đề; nhậu quán nào cũng xong, chẳng cần mấy quan tâm đến vệ sinh thực phẩm. Nhưng nước cho cá lại là chuyện khác. Điều đương nhiên là lúc nào nước cũng phải chảy tuần hoàn 24/24h, mùa đông thì phải có sưởi ấm. Ngoài bể nuôi còn có cả một bể lọc nằm dưới với nhiều ngăn: nào bông (thậm chí còn chia thành bông cứng, bông mềm), nào sỏi nhẹ, gốm, than hoạt tính... Còn hệ thống ống dẫn vào ra giữa 2 bể trông không khác mấy... đường nước của các khu tập thể cũ.
Bình thường đối với các bể này, cả tháng chủ chẳng cần thay thì nước vẫn trong veo nhưng nhiều vị vấn chưa hài lòng. Họ thiết kế thêm hệ thống van bơm tự động, hàng ngày tự rút ra một lượng nước nhất định, đồng thời bơm nước mới vào bể. Tóm lại nếu đem so sánh thì bể lọc nước giếng khoan còn phải chạy dài, may ra chỉ mấy chiếc bình... lọc nước tinh khiết bày bán trong siêu thị mới cùng đẳng cấp.

Cá cũng có "Certificate"
Nói nôm ra là một loại "chứng minh nhân dân" của con cá, nhờ đó để biết được chủng loại, phẩm cấp, gốc gác của nó từ khi mới ra đời. Giấy Certificate thậm chí còn hiện đại và phức tạp hơn cả... chứng minh thư của người.
Trên đó ngoài việc ghi tên loại, kích cỡ, ngày xuất trại còn phải đóng dấu nổi của trại xuất cá ra (ví dụ như trại Shelookred hay trại Xian Leng - tên 2 trại rất nổi tiếng về cá rồng). Quang trọng nhất là trên tờ giấy này phải có số seri của con cá. Mỗi một con cá rồng loại cao cấp khi xuất trại đều được gây mê và gắn chíp vào bụng. Dùng một chiếc máy cầm tay để scan sẽ thấy số seri của chíp, con số này phải trùng với số trên certificate thì mới đúng là cá xịn.
Q nói về cái "chứng minh thư" của cá Rồng chán rồi phẩy tay: "Nói cho cùng cũng chỉ là làm "hàng" thôi. Có đến 90% cái giấy này về đến tay người chơi là hàng giả. Cũng dấu nổi, cũng số seri nhưng khi kiểm tra trên mạng, vào trang của các trại thì bói cũng chẳng thấy cái số seri ấy. Nói chung cứ nhìn tận mắt, cá đẹp thì bắt thế thôi. Certificate chỉ dùng để... trang điểm".
Cao Đỗ
 

TDP

"...một đam mê, một dại khờ, một tôi..."
Thành viên BQT
Tham gia
9/9/07
Bài viết
1,657
Điểm tương tác
194
SVC$
0
Bài 3

Ra hải ngoại lùng... cá

(VietNamNet) - Được các tay chơi săn lùng nhiều nhất hiện nay là một loại cá Rồng đầu vàng màu 24k (gọi là Quá Bối đầu vàng). Trong nước không có, họ sẵn sàng săn hàng ở nước ngoài (thường là Quảng Đông, Trung Quốc). Rước được một chú cá loại này về nhà coi như "trúng số" hàng độc.

Hàng "hiệu"
Q. bảo: Hà Nội, TP.HCM giờ nhiều Huyết Long kinh khủng. Quá Bối thường cũng nhiều. Duy chỉ có Quá Bối đầu vàng là còn hiếm, giá cũng cực kỳ "khủng bố", giá lấy buôn ở các trại đã có thể lên đến 4.000USD. Những giống bình thường nuôi đã rất giữ giá, riêng Quá Bối đầu vàng thì chỉ có tăng. Vì thế chúng đang bị săn lùng.

images1428891_boi-vang-1.jpg


Một con Quá Bối đầu vàng cực hiếm của trại Xian Leng (Ảnh: Indodragon.com)

Đặc điểm nổi bật của Quá Bối đầu vàng trước tiên là đầu phải "toác hoa thị", tức là đầu không được đen trùi trũi như bao giống cá khác mà phải có thật nhiều hoa văn hình hoa thị ánh lên màu vàng 24k. Nếu không hoa thị thì từng mảng đầu cá phải vàng, toàn bộ phần đầu càng vàng, cá càng có giá trị cao.
Đặc điểm tiếp theo là toàn bộ vảy hàng 6 (cá Rồng có 6 hàng vảy, hàng trên cùng gọi là hàng thứ 6) phải leo qua lưng (cross back), nhìn vào hàng 6 cũng phải như 5 hàng phía dưới, rõ ràng một ánh vàng kim loại chói mắt. Tóm lại là khi con cá trưởng thành nhìn có cảm tưởng như cả thỏi vàng bơi trong bể.
Q. bật mí, đang có người nhờ đi cùng sang chợ cá Quảng Châu (Trung Quốc) để săn Quá Bối đầu vàng, tôi liền xin đi theo.

Hành trình lùng cá 1.200km
7h sáng chúng tôi rời Hà Nội trên một chuyến xe ôtô liên vận quốc tế. Gần trưa thì tới cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, làm thủ tục giấy tờ xong chiếc xe tiếp tục đưa chúng tôi đến bến xe Lãng Đông (Nam Ninh, Trung Quốc).
Lúc này đã xế chiều, Q. mua vé từ Nam Ninh đi Quảng Châu. 6h30 tối lại lục tục rủ nhau lên xe, lần này được nằm, xe có giường tầng. Nửa tiếng sau xe chuyển bánh, lao vun vút suốt đêm trên đường cao tốc 6 làn. Tảng sáng thì tới thành phố Quảng Châu.

images1428893_cho%20ca%201.jpg


Một góc náo nhiệt của chợ cá Quảng Châu (Ảnh: C.Đ)

Mất 40 tệ (khoảng 80.000 đồng VN), lao lên lao xuống trên chiếc taxi, qua hàng loạt cây cầu vượt hiện đại, cuối cùng sau 24h di chuyển chúng tôi cũng có mặt ở chợ cá Quảng Châu.
Chợ nằm ngay ven xa lộ, khá to, nếu so sánh thì cả phố cá Hàng Đậu cũng chỉ bằng một ngách của chợ. Đây chính là trạm trung chuyển khu vực của cá Rồng. Tuy nhiên còn quá sớm nên các cửa hiệu chưa mở.
Loanh quanh, vạ vật thêm gần 2 giờ đồng hồ thì chợ cá bắt đầu có người. Càng về trưa thì càng tấp nập kẻ mua người bán. Bỏ qua tất cả các cửa hàng bán các thứ cá cảnh khác, chúng tôi cứ nhằm cửa hiệu nào mà bảng hiệu vẽ hình cá rồng mà xông vào (vì các cửa hiệu đều viết toàn bằng tiếng Trung).
Ở đây cá hàng bãi (những con cá Rồng rẻ tiền hoặc bị lỗi) bị đóng vào bịch nilon, bơm ôxy vứt lỏng chỏng ngay cửa. Chỉ có những con đủ tiêu chuẩn mới được đưa riêng vào từng bể. Đúng là chợ đầu mối, giá cá rẻ hơn đến 1/3 nếu so với ở Việt Nam, lại rất nhiều để lựa chọn: Kim Long Hồng Vĩ, Huyết Long...

images1428895_gu%20quang%20chau.jpg


Một chú Huyết Long Nhất đẳng lưng gù ở chợ cá Quảng Châu (Ảnh: C.Đ)

Q. và mấy người bạn chỉ chú ý đến Quá Bối. Thật bất ngờ không như tôi nghĩ, những con Quá Bối lúc nhỏ không vàng mà lại chỉ là màu... trắng bạc. Thông cảm với cái sự ngờ nghệch của kẻ ngoại đạo, Q. giải thích: Nếu như lúc nhỏ mà Quá Bối đã sẫm màu, vảy sắc nét thì lúc lớn lên chỉ là loại thường thường, hầu như không thể lên hết vảy ở lưng chứ chưa nói chuyện đầu vàng. Vì thế phải chọn loại có vảy màu sáng bạc.
Để ý thấy trong khi tất cả các bể cá Rồng khác đều đen sì thì những bể dành cho Quá Bối đều dán phông trắng, tôi lại hỏi. Q tiếp tục giải thích: Màu trắng của phông cộng với ánh đèn trắng (Huyết Long phải xài đèn hồng) sẽ kích thích độ sáng của hàng vảy thứ 6 Quá Bối leo cao hơn- Lại thêm một kỹ thuật phức tạp của dân chơi.
Thấy tôi lơ ngơ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, Q. bèn trổ thêm ngón đòn. Anh chỉ một dàn Quá Bối khoảng gần chục con giống hệt nhau rồi đố tôi con nào đắt nhất, tất nhiên là tôi tịt ngóm. Q chỉ một con nằm ở gần giữa nói chắc nịch "con này sẽ đắt nhất" và cho tôi tự hỏi ông chủ người Tàu. Tôi ra ký hiệu, ông chủ tí toáy bấm lên máy tính con số 12.000 tệ (tương đương 24 triệu đồng), hỏi những con khác thấy thụt xuống chỉ còn tròn một vạn tệ.

Thất bại
Lang thang ở chợ cá Quảng Châu suốt cả một ngày trời, Q. và những ngưòi bạn vẫn không chọn được một con Quá Bối đầu vàng đúng ý. Đi hàng chục cửa hàng cá, ngồi săm soi hàng giờ, nhưng chẳng kiếm nổi một chú cá nào toàn vẹn. Con thì lỗi đầu, con vảy kém, con đuôi cụp, con râu lệch... Không mua được cá, niềm hào hứng trên đường trở về cũng không còn.
Theo đúng kế hoạch, nếu săn được cá, chúng tôi sẽ rời Quảng Châu ngay khi chợ cá đóng cửa. Cá sẽ được đóng trong hai lần túi nilon, với tỉ lệ 1/4 nước, 3/4 oxy. Rồi tiếp tục đóng thêm vào trong thùng xốp cứng. Với biện pháp này, con cá sẽ đảm bảo sống được trong gần 30 giờ - đủ thời gian cần thiết về đến tận Hà Nội. Nhưng do không mua được, cả đoàn quyết định ở thêm ngày hôm sau.
Q. nói anh đã lường trước điều này. Ở Trung Quốc cũng chỉ là nơi buôn cá, không có trại nuôi cá rồng, những trại này nằm ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Những con Quá Bối đầu vàng đạt phẩm cấp chủ yếu được các trại xuất sang Nhật Bản, Singapore, Mỹ và châu Âu. Hàng loại hai thì dạt về Trung Quốc, sang Việt Nam...
Thấy tôi tiu nghỉu như dân chơi cá thứ thiệt, Q. cười lớn: "Ông thích thì cứ để dành dụm tiền đi, chuyến tới bọn tôi qua Malaysia. Tôi đã gửi mail trước cho một trại rất nổi tiếng và họ ok, tuỳ mình chọn ngày. Sang bắt tận trại thì khó trượt."
Cao Đỗ
 

manhlong

Quay đầu là bờ
Tham gia
10/9/07
Bài viết
413
Điểm tương tác
7
SVC$
0
con huyết long lưng gù may mà kg gặp em,hehhe.chắc phải qua quảng châu 1 chuyến quá,em có 2 con lưng còng rồi.thiếu em hl.anh post hinh lam them nho dai luon
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom