Guest viewing is limited

thucphan

Thành viên tích cực
Tham gia
10/9/07
Bài viết
254
Điểm tương tác
7
SVC$
0
CUỘC ĐẤU NGOÀI VÕ ĐÀI
Truyện ngắn của Thảo Nguyên


Những người chơi họa mi đều thích gọi con chim mình nuôi ngắn gọn là "mi". Có người nuôi để thưởng thức tiếng hót, người khác nuôi để chọi, lại có người đi bẫy và thuần dưỡng họa mi để bán.
Ngày trước khi còn ở Hà Nội, ở xóm tôi có một người rất mê họa mi. Đó là ông Thái Giang. Ông có thể nói về họa mi suốt ngày không hết chuyện, say sưa như đó chính là một phần không thể thiếu được trong đời ông. Nỗi đam mê đó đã lây sang tôi từ lúc nào không biết. Ông dạy cho tôi cách bẫy họa mi, cách thuần dưỡng con mộc mới bẫy được, cách huấn luyện và tuyển chọn con nào để chọi, con nào chỉ nuôi làm cảnh. Chúng tôi có chung nhiều kỷ niệm, nhưng sâu sắc nhất là là kỷ niệm về cái chết của một con mi mà chúng tôi quý nhất. Tên nó là Bông Lau.
Họa mi ưa sống nơi sườn đồi thoai thoải đổ xuống thung lũng, nơi có khe nước và những bụi cây lúp xúp. Chúng sống từng đôi theo địa bàn nhất định. Có thể đó là một con suối nhỏ, cũng có thể chỉ là một rặng cây. Ấy vậy mà đôi bên hàng xóm không bao giờ cố tình xâm phạm lãnh địa của nhau. Nếu có thì cuộc chiến chắc chắn sẽ nổ ra. Hai con trống lăn xả vào nhau quyết đấu trong sự cổ vũ cong cớn của hai con mái. Dựa vào tập tính đó, người ta bẫy họa mi bằng con mồi đã được huấn luyện kỹ, nhốt trong lồng sập. Khi con mồi lên tiếng, chủ nhân của vùng đất sẽ đáp lời ngay và lao tới để tấn công kẻ xâm phạm. Thường con ở ngoài không lao vào đánh ngay mà dừng cách đối thủ năm, bảy mét để quan sát. Trước là đấu khẩu, sau mới đấu võ. Hễ con ở ngoài chạm phải cần bẫy là xong việc. Nó đã bị bắt. Chúng tôi đã bẫy được đến mấy chục con. Chỉ có một trường hợp duy nhất cuộc chiến xảy ra cực nhanh. Con mồi vừa lên tiếng, một bóng xám đã vút tới và lao thẳng vào lồng bẫy có kẻ khiêu khích núp bên trong. Khi bắt con chim ra, ông Thái Giang kêu lớn: "Thần điểu!". Ông giảng giải cho tôi: "Họa mi đại đa số tròng mắt màu thiên thanh. Con nào ngũ trường (mỏ, cổ, thân, cánh và chân dài) thì dáng đẹp, nhanh nhẹn. Được vậy mà chân gân hươu, móng mèo, mí mắt dày là chim hay. Thêm tròng mắt màu nâu là chim quý, còn màu lửa thì cực quý, vạn con có một". Ông ôm nó run rẩy như đang giữ một báu vật. Chúng tôi đặt tên nó là Bông Lau vì trong thung lũng nơi ấy có nhiều bông lau tím ngát.
Sau thời gian thuần dưỡng, Bông Lau mau chóng trở nên nổi tiếng. Nó có dáng đứng oai dũng, hai chân choãi ra trên gióng đậu, ưỡn ngực ngẩng cao đầu ngạo nghễ. Tiếng hót của nó vang và khỏe. Trên sới đấu, vào trận nó thường gân cổ gào lên đe dọa đối thủ (dân nghiền chọi mi gọi là tiếng "quát"). Nhiều con sợ hãi, im re bỏ cuộc. Con nào lì lợm dám nhảy vào cửa công cũng không chịu nổi những chiêu đánh ác liệt của nó. Bông Lau nhiều năm liền là võ sĩ số một, không có đối thủ.
Thế mà nó lại chết bất đắc kỳ tử trong một cuộc chiến không chính thức. Lần ấy chúng tôi bẫy được một con mi tướng mạo thô kệch, chỉ được cái gan lì. Khi con Bông Lau cất tiếng hót, nó liền đáp lời. Bông Lau ngưng lại tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi gân cổ quát. Anh mộc kia nào có hiểu gì, mỗi con một lồng treo xa nhau thì cũng giống như trong rừng mỗi anh một khoảnh, có làm gì nhau. Nó lại đáp lời, cũng hiên ngang trên gióng đậu của mình như trên cành cây quen thuộc, vững chãi trong lãnh địa của nó. Trông nó cục mịch như hòn đất và cũng trơ như thế. Bông Lau tức giận gào lên đến nghẹt thở. Nó đứng chết trân trên gióng đậu, mép ứa máu. Con mộc lại đáp lời, nó nghiêng ngó nhìn rồi thản nhiên đứng rỉa lông. Không thấy tiếng quát nữa, con Bông Lau vỡ tim mà chết.

Thảo Nguyên

-----------------------

Hi bác Thảo Nguyên,

Xin phép bác post truyện ngắn của bác lên diển đàn này.

Rất mong bác chia sẽ truyện mà bác sắp đăng cho Xuân Mậu Tý này trên đây.

Kính
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom