Đây là một bài mới sưu tầm từ trang: http://khoancatbetong.com/forum/chim-cu-gay-t4535.html, (nhưng không có tên tác giả để cảm ơn và xin phép). Tiện đây xin tác giả của bài viết này hoan hỉ cho phép, xin được trích nguyên văn để phục vụ cho ace của fan cu gáy, thành viên của svcvietnam.
Tên khoa học: Streptopelia senegalensis, Streptopélia Chinensis
Tên tiếng Anh: Laughing Dove, Spotted Dove
Chim cu ngói nâu
Chim cu cườm (Spotted Dove)
Chim Cu Gáy, còn gọi là chim Cu là loại chim thường gặp nhất ở vùng thôn quê yên tĩnh. Từ Bắc chí Nam, ở đâu có đồng ruộng là ở đó có Cu gáy sinh sống. Chúng cần dựa vào người mà sống, vì thức ăn của Cu Gáy chủ yếu là lúa, đậu, mè, là những nông sản do nông dân làm ra.
Cu Gáy có hai loại :
- Cu Cườm, còn gọi là Cu Đất, có cườm ở cổ.
- Cu Ngói, thân hình nhỏ hơn Cu Cườm, toàn thân lông màu hung đỏ, cổ không cườm mà thay vào đó là một vạch đen quanh cổ.
Đúng ra phải kể thêm một loại Cu nữa là Cu Xanh, còn gọi là Cu rừng, vì chúng chỉ sống ở rừng. Cu Xanh thì toàn thân lông màu xanh lá cây, thân hình cũng lớn bằng Cu Gáy.
Thường thì những người thích nuôi Cu Gáy là những người già, những lão nông. Họ treo một vài lồng chim nhỏ ở trước hiên nhà để thỉnh thoảng nghe được vài câu “Cúc cu cu…” và lấy làm đắc ý.
Người chưa hề nuôi chim Cu, chưa hiểu rõ đặc tính của chim Cu ra sao, thì thường hay thắc mắc không hiểu loại chim này có gì đáng hấp dẫn đến độ có người mê nuôi chúng đến như thế.
Người ta thường kể cho nhau nghe những chuyện khó tin nhưng lại là chuyện có thật : nhưng có những người thương con Cu gáy đến độ nhà cháy không lo “chạy” đồ đạc đắt giá trong nhà mà chỉ vội vàng xách chiếc lồng Cu vì sợ chết con chim quí hóa. Có người chạy giặc mặc cho vợ con tay xách nách mang đồ đạc, còn mình thì chỉ khư khư giữ chiếc lồng chim Cu.
Như vậy thì loại chim tưởng là tầm thường này chắc hẳn cũng có những ưu điểm bất thường mà người đời chưa hiểu rõ nên cho là tầm thường chăng?
Hình dáng : Chim Cu Gáy hình dáng như một chú bồ câu sẻ, cổ có cườm bao hết vòng giáp cổ thì gọi là cườm liên hoàn. Cườm liên hoàn thì vô cùng quí hiếm, vài trăm con mới có được một con. Lông chim có màu xám hồng ở phần đầu, ức và bụng. Phần gián cánh lông màu đen, và trên cánh có những vệt đen nhỏ tạo thành những đốm vảy qui trên cánh.
Nhưng với một chim Cu thuộc vào loại tốt nhất mà người sành điệu lựa nuôi thì phải có những điểm đặc biệt sau:
- Nhất Huỳnh kiên: Tức là chim có cườm màu vàng. Cườm này phải xuống tận vai nhưng không đóng ở trên lưng. Dĩ nhiên loại chim này hiếm khi được gặp.
- Nhì Liên giáp: Tức là hình dáng của chim giống như một cái bắp chuối, hai đầu nhỏ, giữa phình ra, trông rắn chắc, gọn chặt.
- Tam Quá khóe: Có cái chỉ màu đen chạy dưới khóe mắt, dài quá khóe mắt một chút mới tốt.
- Tứ Chân khô: Có nghĩa là chân chim phải vuông cạnh và khô. Vảy đóng hai hàng trơn, đóng chặt, nổi mốc lên.
- Ngũ Liên hoàn: Cườm phải đóng giáp vòng hết cổ mới thật tốt. Thường thì chim chỉ có cườm đóng ở phần trên cổ mà thôi, phần ức không có cườm.
- Lục Cườm rựng: Tức là có cườm lót. Chim mà có cườm rựng là chim có gù hậu, tức là gáy dai dẳng.
Tất cả những con chim Cu nào có một trong những đặc điểm trên đây đều thuộc loại chim quí hiếm, dùng làm Cu mồi rất tốt.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới những chi tiết quan trọng sau đây:
- Chim Cu mà đuôi vót, tức là ở bắp đuôi thì lót, chót đuôi thì nhỏ lại mới là con chim tốt và khôn.
- Chim có gián cánh, tức là có lông trắng ở trên một cánh hay ở cả hai cánh. Đó là chim tốt nên chọn nuôi.
-Chim có móng trắng gọi là Bạch Đề : chỉ cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng là chim quí hiếm.
-Chim có màu đỏ là chim sát thủ : tức là chim rất dữ, chọn làm mồi thì chỉ toàn gặp may.
Ngoài ra, ta còn phải chọn chim có đầu nhỏ, có mỏ cong, có hình bầu, có cổ lãi (cổ cao), có chân thấp, có đuôi thon, có cánh phủ mình hay cánh chéo, lông phủ đầu gối…
Xem thế đủ thấy chọn một con chim Cu Gáy thật hay cũng khó khăn như chọn một gà nòi đá độ. Chọn gà nòi người ta cũng chọn đầu, cổ, lưng, lườn, ghim, chân, vảy, móng, đến cánh gà, đuôi lao… À thì ra đây là giống để đá. Con chim Cu gọi là hay là con chim dùng để làm cu mồi. Giống Cu mồi thì hung hăng ham đá, vì vậy mấy con khác mới thi nhau sa vào bẫy rập của người gác Cu.
Giọng gáy của chim Cu : Người không rành về chim Cu thì cứ tưởng rằng giống chim này chỉ có một giọng buồn tẻ là lúc nào cũng gáy : Cúc cu cu mà thôi. Chính vì hiểu sơ sài như vậy nên người ta mới băn khoăn tự hỏi tại sao lại có người chịu khó nuôi chim Cu cho uổng công tốn lúa như vậy. Chẳng lẽ trên đời này không có chim nào hót hay hơn để chọn nuôi hay sao?
Sự thực thì Cu Gáy có nhiều giọng, mà chỉ có người rành rẽ về chim Cu mới biết rành rẽ mà thôi.
Trước hết, ta thấy chim Cu có cả thảy 5 giọng là giọng trơn, giọng một, giọng hai, giọng ba, giọng cà lăm.
-Giọng trơn : Cúc cu cu (mỗi lần gáy chỉ thốt lên 3 tiếng đơn giản cụt ngủn)
- Giọng một : Cúc cu cu…cu (có thêm một tiếng cu hậu ở đằng sau nghe hay hơn)
- Giọng hai : Cúc cu cu… cu cu (có thêm hai tiếng cu hậu ở đằng sau nghe càng hay hơn)
- Giọng ba : Cúc cu cu… cu cu cu (có thêm ba tiếng cu hậu ở đằng sau nghe càng hay hơn nữa. Ở đâu mà có con Cu rừng hót hay như thế này thì dù có xa xôi đến mấy người gác Cu cũng mò đến bắt cho bằng được, vì đây là chim quí khó tìm).
-Giọng cà lăm : Con chim này gáy giọng lúc thế này lúc thế khác, tiếng nọ xọ tiếng kia nghe không ra làm sao cả. Cũng như cách nói chuyện của người bị bệnh cà lăm vậy, chim này chỉ có đem thịt mà thôi.
Nghe giọng chim Cu gáy xong ta còn phải tìm hiểu xem cái âm của nó hay dở ra sao nữa. Đây là một việc cực kỳ khó khăn mà chỉ những người lão luyện trong nghề mới phân tích được kỹ càng, dù là tai họ chỉ mới nghe phớt qua. Còn người mới vào nghề thì chắc chắn không tài nào hiểu nổi.
Giọng chim Cu gáy có 4 âm chính : âm thổ, âm đồng, âm son, âm kim.
-Âm thổ : chim gáy có âm thổ thì giọng trầm. Loại chim này được đánh giá là loại chim khôn nhất. Trong âm thổ có 4 âm sau đây :
1.Thổ đồng : âm trầm mà ngân vang như tiếng chiêng cồng.
2.Thổ bầu: âm trầm mà ồm ta lên
3.Thổ sấm : âm trầm mà rền như tiếng sấm
4.Thổ dế : âm trầm mà rỉ rả nỉ non như tiếng dế
-Âm đồng : chim gáy có âm đồng thì tiếng ngân vang. Âm đồng cũng có nhiều loại như sau :
1.Đồng pha thổ : âm ngân vang nhưng lại trầm trầm
2.Đồng pha son : âm càng lúc càng ngân vang
3.Đồng pha kim : âm càng lúc càng nhỏ nhưng vẫn vang xa
-Âm son : chim gáy có âm son có người gọi là âm chuông vì giọng chim ngân vang như tiếng chuông rền, nghe có vẻ hùng tráng oai vệ. Âm son cũng có nhiều loại như :
1.Son pha đồng : âm to mà rền vang như tiếng sấm
2.Son pha kim : âm khởi đầu rền vang như tiếng chuông ngân sau cứ nhỏ dần…
-Âm kim : chim gáy có âm kim thì tiếng nhỏ và vang xa. Âm kim cũng có nhiều loại như :
1.Kim pha son
2.Kim pha thổ
3.Kim pha đồng
Điều đó đủ cho ta thấy muốn phân tích một giọng chim Cu thật chính xác không phải là chuyện dễ dàng. Ai hiểu thấu đáo được điều này chắc chắn người đó sẽ gặp nhiều điều thú vị khi lắng tai nghe chim đang gáy. Đến đây, chắc chắn chúng ta không còn ngạc nhiên nhiều khi biết tại sao người ta lại có thể say mê nuôi một con chim có bề ngoài không sắc sảo này đến thế. Đến đây, chúng ta có thể cảm thông được về sự mê luyến cao độ của người nuôi chim đối với con chim quí hiếm của mình. Vì rằng, chọn được một con chim mồi vừa ý có những đặc điểm ưu việt kể trên đâu phải là chuyện dễ. Đôi khi trăm con, hoặc ngàn con mới có một. Chắc gì trong một đời người có thể chọn cho mình được một hoặc hai con mà nuôi ? Do đó, giá trị con Cu mồi tốt nhất cũng độ nửa lượng vàng nhưng người ta vì quá quí trọng nó đến nỗi có người dù nghèo nhưng ai mua với giá nào cũng không bán, thề “sống nuôi chết khôn”, đôi khi còn dám đem thân mình bảo vệ con chim.
Mặt khác, chim càng quí người ta lại càng cố giữ gìn cẩn thận. Vì như chúng ta đã biết, con Cu gáy dù nuôi liên tục đến mười năm, người mến chim nhưng chim lại chẳng mến người, hễ sút ra khỏi lồng là cắm đầu bay thẳng không hề ngoảnh đầu ngó lại.
Hễ sẩy là mất. Vì vậy, có người tiếc hùi hụi con chim quí đến bỏ ăn bỏ ngủ, đau ốm liệt giường. Có người phải bỏ ra hàng mấy tháng trời lặn lội đi tìm con chim từ rừng này sang rú khác, từ làng nọ qua làng kia, bắt lại được mới thỏa lòng.
Cách phân biệt chim trống mái:
Giống Cu gáy có điểm lạ là trống, mái gần như giống nhau, khó phân biệt được. Giống từ hình dáng đến cườm và cả giọng hót nữa. Người nào lão luyện trong nghề lắm cũng chỉ đoán được đến 50% là cùng.
Thường thường thì chim mái có cặp mắt mơ buồn hơn chim trống, đầu chim mái nhỏ hơn, và hai cái “ghim” ở hai bên hậu môn nở hơn (điều này rõ nhất ở mái già đã đẻ nhiều lứa).
Con chim Cu mái trong thời rụng trứng (tức là khoảng đầu mùa mưa) sắp đẻ thì hung hăng ghê lắm, lúc nào cũng gù, cũng gáy. Hễ nghe tiếng chim lạ gáy ở đâu là liền bay tới cho bằng được, dù đó là chim trống hay chim mái nó cũng đá. Vì vậy, đi bẫy chim trong những tháng đầu mùa mưa người ta bẫy được chim mái rất nhiều.
Chính vì không phân biệt được trống mái một cách rõ ràng, dứt khoát nên nhiều người cắc củm nuôi con chim đến một vài mùa lông (một mùa đổ lông là một năm) mới biết được đó là con mái thì… không còn nỗi nản chí nào bằng.
Thú nhử chim Cu: Nhử chim Cu hay gác Cu là một thú vui nhất của người nuôi Cu Gáy. Người ta nuôi Cu là để bẫy Cu. Bẫy Cu không ai nhằm vào mối lợi về kinh tế mà là cố tìm cho mình một con chim quí về nuôi. Vì như ai cũng biết, giá một con chim bổi đâu có bao nhiêu tiền. Bắt được chim bổi tồi thì chỉ đem về rôti hoặc bằm nhỏ vò viên nấu cháu bồi dưỡng sức lực bù vào những ngày gian khổ lặn lội trong bưng, trong rẫy, đến nỗi quên ăn mất ngủ, mặc cho muỗi đốt, đỉa bu mà không dám cục cựa.
Ở đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
Ta hãy phân tích xem tại sao ông bà ta lại cho việc “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” lại là bốn cái ngu?
-Làm mai tức là bỏ công ra mai mối cho hai anh chị nên vợ chồng. Đó là việc ai cũng thấy nên làm, nhưng thường thì hậu quả mang lại không hay ho gì cho mình cả. Người ta ăn ở với nhau hạnh phúc chưa chắc gì người ta đã nhớ ơn mình, nhưng khi người ta lục đục gây gổ nhau là vợ chồng lôi mình ra trách cứ nọ kia. Họ đổ tội cho mình thay mặt ông tơ mà se lộn mối chỉ hồng nên ngày nay vợ chồng mới bị lâm cảnh “Cơm không lành canh không ngọt”.
-Lãnh nợ tức là đứng ra bảo lãnh vay nợ cho người khác. Việc này thì ai vay người ấy hưởng, chứ mình không “xơ múi” gì. Thế nhưng, nếu việc trả nợ không “êm chèo mát mái” nghĩa là tới hẹn trả nợ mà chưa thanh toán được hoặc không có khả năng thanh toán thì người chủ nợ cứ túm áo mình mà đòi. Lãnh nợ... ơn đâu không thấy, chỉ thấy mình ngu dại “ách giữa đàng quàng vào cổ” mà thôi !
-Gác Cu hay bẫy Cu đâu phải là chuyện dễ dàng. Ai đi gác Cu cũng muốn tìm cho mình những con Cu hay, mà Cu hay là giống Cu khôn ở trong rừng, trong rú, trong rẫy, trong nương có khi ở cách xa nhà năm ba chục cây số là thường. Đã thế lại không tiện đường xe cộ, ghe thuyền nên nhiều khi người gác Cu phải xắn quần áo lặn lội qua mương qua rạch để đến nơi treo lục, đặt bẫy. Chuyện té lên té xuống, rách áo xước da cũng là chuyện thường tình. Đến nơi, treo lục xong là tìm một nơi kín đáo ngồi rình với tất cả sự hồi hộp đến nơi muốn ho cũng không dám, kiến cắn cũng không dám gãi vì sợ động. Mà nào kết quả được gì ? Con Cu khôn ít khi vướng bẫy, mà còn Cu dại thì đáng giá mấy đồng ! Đã đi gác Cu thì ai cũng biết đến điều đó, nhưng vì sự đam mê của nghề nghiệp nên người ta lúc nào cũng hăm hở khăn gói lên đường. Người ngoài cuộc cho đó là cái dại kể cũng phải !
- Đến việc cầm chầu thì quả thật… là ngu ! Người được mời cầm chầu là người có chức vị lớn trong làng cũng có nghĩa là người có kiến thức nhất nhì trong làng. Cầm chầu là một vinh dự lớn lao chứ không phải ai muốn làm cũng được. Nhiệm vụ của người cầm chầu là khi xem diễn tuồng đến câu hát nào hay (có ý nghĩa) hoặc đoạn nào diễn viên diễn qua xuất sắc thì đánh một hay hai ba tiếng trống để tán thưởng. Nếu thấy hay quá thì có thể giáng luôn một hồi. Thế nhưng điều mình cho là hay mà người khác cho là dở thì sao đây ? Mà trên sân khấu, chắc gì diễn viên đã bằng lòng với tiếng trống khen thưởng hay chê bai của mình ? Xin nói thêm nếu hát dở thì người cầm chầu sẽ đánh đùi trống vào thành trống bằng một hay hai tiếng cắc. Thùng là khen, cắc là chê. Như vậy người cầm chầu chỉ là một vinh dự hão, đâu có ăn được gì mà để cho người ta chê bai mình ? Đó không phải là một cái ngu sao?
Đấy, trong bốn cái ngu đó có cái ngu gác Cu. Kể ra cũng mỉa mai thật. Nhưng thôi, ta hãy gác chuyện đó sang một bên, ngu hay khôn là do cái nhìn của mỗi người. Bây giò chúng ta đi thẳng vào sự chuyên môn của nghề gác Cu. Muốn đi gác Cu thì người ta phải có Cu mồi và đồ nghề mới đi bẫy được.
-Cu mồi : Cu mồi tốt nhất là chim sát thủ hay ít ra cũng là con chim gáy thật hay có gù hậu. Khi treo lục lên cây hoặc đặt bẫy rập hay cái úp dưới đất, con Cu mồi phải gù tiền, tức gáy thúc để chim ngoài tức mà vào bẫy. Khi Cu rừng đến gần bẫy, Cu mồi phải biết gù hậu để thúc giục con bổi vào tròng, như vậy mới là chim mồi hay. Còn nếu chỉ biết gù tiền, mà chim rừng lại gần lại lơ *** đứng nhìn, không biết gù hậu thì làm sao bẫy được con mồi?
Con chim sát thủ là con chim dữ lúc nào cũng háu đá, giọng gáy tiền cũng như hậu đều có vẻ thách thức muốn đấm đá. Loại chim dữ này thường có nhiều ở miền Trung và vùng Tây Ninh. Người ta chọn những con có cườm rựng, cườm liên hoàn. Những chim có màu lông :
- Xám trắng : còn gọi là bạch tuyết, chim này rất dữ đi đánh được cả bốn mùa trong năm.
- Chim đen : gọi là đen chứ nó không phải đen mà lông chỉ sậm hơn chim thường một chút. Loại này nuôi khó nổi, tức là khó thuần dưỡng, nuôi lâu gáy, nhưng khi đã nổi rồi thì rất dữ.
Trong tay đã có một con Cu mồi dữ rồi thì việc gác Cu đã khá dễ dàng.
Cũng xin được trình bày thêm, là người ta dùng Cu Cườm để làm mồi không dùng Cu Ngói làm mồi. Nếu có dùng Cu Ngói làm mồi thì chỉ để bắt Cu Ngói mà thôi, Cu Cườm không đấu đá với Cu Ngói.
Cu mồi là Cu Cườm không những bắt được Cu Cườm rừng mà còn bắt luôn cả Cu Ngói và tất nhiên cũng không ai dùng cu mái làm mồi cả.
Đã có Cu mồi rồi bây giờ phải sắm đồ nghề. Đồ nghề thì có lục treo, lục chạy, cái úp và bẫy rập. Dĩ nhiên, mỗi thứ có một cách bẫy riêng, bẫy khác nhau và còn tùy theo hoàn cảnh mà dùng từng loại cho thích hợp.
- Lục treo : là cái bẫy rập, ở trên có cái móc để máng vào nhánh cây. Chim ngoài từ nhánh chuyền vào là bị lưới rập rập xuống, loại này thường dùng ở miền Trung.
- Lục chạy : ở trong Nam thường dùng. Lục chạy được gác trên các chạng ba cây, bên dưới lục móc sẵn cây sào dài để giữ thăng bằng cho bẫy.
- Cái úp : là một cái vòm bằng lưới, bên trong nhốt con Cu mồi và rải lúa để dụ chim rừng sà xuống ăn. Giống chim trời khi bay ngang hễ thấy có Cu lạ (tức là Cu mồi) dưới đất là sà xuống, vì biết nơi đó có thức ăn. Con chim tham mồi nên mới vướng giò.
- Dò : là một loại bẫy đơn sơ, chỉ là một đòn tre ngắn như chiếc đũa vót rất mảnh, một đầu cắm xuống đấtm đầu kia làm một cái thòng lọng bằng sợi chỉ nhỏ mà bền. Chim rừng sà xuống ăn mồi bị vướng cổ hay vướng phải chân lúc nào không hay biết, chừng biết ra thì đã muộn màng. Dò còn là một loại bẫy cũng làm bằng một que tre nhỏ, mỗi một đầu cắm xuống đất còn đầu kia trét nhựa dính, chim say mồi đâu biết nguy hiểm để tránh, dính vào que nhựa thì biến thành… xâu chả thơm lừng cho người.
-Đánh rập : là dùng hai tấp lưới dài lợp banh ra hai bên, ở giữa thì rải lúa và gài vài con chim mồi. Cu rừng thấy thức ăn nước uống bày sẵn thì sà xuống cả bầy, người đánh bẫy lừa thế giật dây cho hai tấm lưới úp lại là bắt được tất cả.
Đánh chim theo cách thức nào cũng gây sự hồi hộp, hứng thú cho người đánh bẫy. Công việc này đôi khi cũng gây cho mình nhiều điều phiền phức như phải mất công rình mò, chợ đợi…thế nhưng lại là cái thú vị tuyệt vời, một sự sướng thỏa mà không phải ai cũng có dịp hưởng được.
Tuy nhiên, cái úp và lưới rập chỉ để bắt Cu thịt chứ không phải cách để bắt Cu quí về nuôi. Muốn bắt được Cu hay thì phải đánh bằng lục treo hay lục chạy, vì ta đã có dịp biết trước con chim bổi là loại hay dở thế nào rồi.
Thức ăn của chim Cu Gáy : Ca dao ta có câu :”Cu Cu ăn đậu ăn mè, Bồ Câu ăn lúa, Chích Chòe ăn sâu”.
Đây là câu hát mà ông bà ta xưa nhắc nhở cho nhau biết, ai trồng đậu trồng mè thì ráng mà canh giữ chim Cu sà xuống phá hại. Sự thực thì ngoài đậu, mè ra thì chim Cu Gáy còn ăn cả lúa nữa. Đúng ra, lúa là thức ăn chính của loại chim này.
Nhà nghèo nuôi chim Cu thì người ta chỉ cho ăn lúa như kiểu nuôi gà mà chim vẫn sống, vẫn sung, vẫn siêng gáy.
Nhà giàu thì ngoài lúa ra còn cho Cu Gáy ăn thêm đậu xanh, mè để tăng thêm chất bổ dưỡng. Người nào có khả năng hơn nữa thì cho chim ăn một thực đơn đặc biệt hơn. Đó là lúa tiêu, một loại lúa nhỏ hột, hột chắc mà tròn rồi thêm hột kê, mè đen, hột cải, đậu xanh. Chim ăn như vậy nhiều khi còn sướng hơn cả chủ!
Cách nuôi chim Cu bổi: Chim mới bẫy về gọi là chim bổi. Chim bổi thì rất nhát gặp người đến gần thì hốt hoảng bay tán loạn cả lên, cho nên chim bị bể đầu sứt trán, rụng lông từng chùm là chuyện thường tình. Vì vậy, nuôi Cu bổi ta cũng phải có phương pháp riêng để chim khỏi chết một cách đáng tiếc.
Chim mới bẫy về, đi đường đói khát, nên về nhà ta đút cho nó ăn vài ba hột bắp nhỏ hoặc năm bảy hột lúa và cho uống nước để chim “tỉnh hồn lại vía” đã. Đó là cách giúp chim tiếp tục sống để thuần dưỡng. Sau đó ta nhốt chim bổi chung chuồng với các chim bổi cũ (thường thì người đi gác chim có một cái lồng lớn để nhốt tất cả chim bổi cũ mới vào để thuần dưỡng cho tiện, và cũng để lựa dần những chim tốt ra nuôi, chim xấu làm thịt). Chim mới thấy chim cũ lại cóng ăn mồi, nó cũng bắt chước đến ăn. Ta cứ cho chim sống như vậy cho quen dần nếp sống tù túng để cho chim dạn dần.
Sau đó, lựa con chim nào tốt tướng, dữ dằn thì bắt ra nuôi riêng.
Trong trường hợp nhà không có chim bổi cũ, chỉ có một con bổi mới, thì việc trước tiên là ta cũng phải đút bắp lúa cho chim ăn để khỏi mất sức rồi mới nhốt vào lồng nhỏ. Người ra nuôi chi Cu gáy trong một loại lồng nhỏ đặc biệt bằng mây hay tre, hình dáng giống như trái bí rợ. Lồng tuy chật chội nhưng lại thích hợp với loài Cu Gáy vì Cu Gáy đứng đâu chỉ đứng yên một chỗ chứ không bay nhảy tứ tung như các loại chim khác. Do đó, nhốt chim trong lồng lớn lại không ích gì.
Nuôi Cú Gáy trong lồng nhỏ có điều lợi là chim bổi thì mau thuần, mà chim đã thuần thì mau sung. Nuôi chim mà lúc nào cũng sung cũng gáy, thử hỏi ai lại không thích?
Chim bổi bắt về, ta nhốt vào lồng, bên ngoài nên phủ áo lồng cho chim đỡ sợ, bên trong để cóng nước, cóng lúa, cóng khoáng hay đất cho chim ăn được vài ngày. Xong đâu đó, ta treo lồng vào chỗ yên tĩnh để chim bớt sợ hãi. Sau đó, cứ vài ba ngày, ta thăm lồng một lần, mỗi lần như vậy nhớ châm thêm nước và thức ăn cho vài ngày tới.
Công việc thuần dưỡng chim, ta cứ từ từ mà làm, muốn gấp gáp cũng không thể được. Vì chim bổi mau thuần hay không một phần là do ở mình, mà một phần cũng do ở chim. Có nhiều con chim dạn đến nỗi chỉ bắt về một vài hôm đã gáy trong lồng, tiếng gáy như chuông rền có vẻ thách thức chim khác. Nhưng cũng có nhiều con nuôi đến ba năm mà chưa… mở miệng ! Nuôi những con chim khó “nổi” này rất chán, tuy nhiên người nuôi vẫn hy vọng rằng hễ “có tật thì có tài”, những con chim như vậy khi đã nổi thì không chê vào đâu được.
Nuôi chim Cu muốn mau nổi, thường ta nuôi trong nhà vài ba con trở lên. Con treo nhà trước, con treo nhà sau, hoặc con treo trên lầu, con treo dưới lầu. Trong trường hợp nhà ở chật chội không đủ chỗ treo lồng, thì ta vẫn có thể treo gần nhau, nhưng những con xen kẽ ta phải trùm lồng kín mít để chúng chỉ nghe tiếng gáy mà không trông thấy nhau. Đôi khi, treo như vậy chim lại mau sung vì chúng cũng như loài gà, tức nhau vì tiếng gáy.
Thỉnh thoảng, người nuôi chi Cu Gáy cũng cho hai con “kè” nhau một chút cho chúng hăng lên. Chim khi đã sung thì lúc nào cũng năng nổ, hễ người nuôi búng tay là gáy, hoặc vừa nghe chim khác nổi một vài hậu là nó cũng tức khắc hăm hở trả lời, tỏ ra ta đây không chịu thua sút một ai!
Cũng xin được nhắc thêm, chim nuôi mãi trong lồng thì lông đuôi dài sẽ vướng víu. Vì vậy, chủ nuôi cứ vài tháng một lần, nhớ hớt bớt lông đuôi, lông cánh để chim xoay xở dễ dàng trong chiếc lồng vốn chật, khỏi gãy đuôi xơ cảnh, mất thẩm mỹ.
Săn sóc cho chim: Việc chăm sóc cho chim Cu không có gì khó khăn vất vả. Ta chỉ vệ sinh lồng cho sạch sẽ, cho ăn uống đầy đủ là được. Với con chim suy, mỗi tuần ta nên cho uống hai lần, mỗi lần một viên dầu cá. Và chỉ cần uống một tuần là đủ. Nếu muốn cho uống lại thì nên để đến tháng sau.
Nuôi chim Cu, thường ta thấy chúng bị hai thứ bệnh : đó là bệnh đau mắt và bệnh tiêu chảy.
Với bệnh đau mắt thì người chuyên môn có một lối trị riêng : người ta *** vài trái ớt hiểm, môi vào hai đầu cánh và bôi ngay vào mắt chim, con chim xót mắt, cạ mắt vào đầu cánh gặp ớt lại xót thêm. Nhưng khi ớt hết cay thì chim lành mắt.
Riêng đối với bệnh tiêu chảy thì ta có thể dùng thuốc Terramycine loại dùng cho gà, pha vào nước cho chim uống vài ngày là khỏi.
Điều cần nhắc nhở thêm là trong lồng Cu Gáy bao giờ cũng phải có cóng khoáng chất. Loại chim này rất thích ăn khoáng, thiếu không được. Xin xem thêm bài nói về công thức chế biến khoáng chất ở phần cuối sách. Người ta thường lấy đá ong cà nhỏ thế khoáng cho chim ăn.
Tóm lại, chim Cu Gáy dễ nuôi, ít tốn kém lại ít công chăm sóc. Tiếng gáy của chim không réo rắt như Họa Mi, không véo von như Chích Chòe, nhưng cũng mang một sắc thái riêng, khiến người nghe quen tai ai cũng sinh ghiền.
Vào những buổi trưa tĩnh lặng, được nằm đong đưa trên một chiếc võng ở chái hè tại một vùng quê, hay một vùng ngoại ô nào đó, những tiến cúc cù cu… quen thuộc vọng vào tai, chắc chắn sẽ gây cho ta nỗi xao xuyến trong lòng. Những tiếng cúc cù cu… trầm lắng nhưng thân thương, mộc mạc nhưng đủ sức quyến rũ, đủ sức gợi nhớ trong ta những kỷ niệm mơ hồ êm đềm trong trí về một vùng quê hương thanh bình nào đó mà ta đã có dịp đi qua. Cúc cù cu…, tiếng gáy của con chim bình dị về thanh sắc như hình ảnh người dân quê thật thà chất phác, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Con chim Cu tượng trưng cho hình ảnh quê hương thân thương mà ta không tài nào quên được.
Những ai đã từng nuôi chim Cu Gáy, chắc chắn là những người nặng lòng với mảnh đất quê hương. Một lần nằm nghe tiếng chim Cu là một lần khơi dậy trong họ những phút giây thắm đượm tình quê.
Ai dám bảo nuôi chim Cu không hứng thú