Guest viewing is limited

VNN

Cơ trưởng
Tham gia
12/9/07
Bài viết
633
Điểm tương tác
6
SVC$
0
BỆNH ĐỐM TRẮNG
- Nguyên nhân và triệu chứng
: Bệnh do ký sinh trùng Ichthyophithirius multifilis (ICH) gây ra. Triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh này là những đốm trắng trong suốt sẽ xuất hiện khắp mình cá. Vây cá kết dính lại, cá trở nên lờ đờ, chậm chạp hơn bình thường, bỏ ăn, thở gấp. Để lâu sẽ bị chết.
- Cách chữa: Việc cần làm đầu tiên là tăng nhiệt độ hồ cá lên 28 – 30°C liên tục cho đến khi các đốm trắng trên thân cá biến mất. Có thể tăng cường lượng muối khoảng 2kg/100l nước hoặc dùng các loại kháng sinh như Metronidazole với liều lượng 500mg/100l nước, Oxytetracyline liều 1g/100l nước hoặc dùng Malachite Green liều 0,1mg/hồ.

BỆNH LỖ ĐẦU
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh lỗ trên đầu do ký sinh trùng nguyên sinh Hexamita gây ra. Nếu cá mắc phải bệnh này ta quan sát trên đầu cá sẽ thấy xuất hiện những lỗ nhỏ màu trắng, những nốt sưng tấy hay mụn nhọt, dần dần những lỗ nhỏ này sẽ lớn hơn, đôi khi còn có mủ. Cá trở nên sụt ký, lờ đờ, chán ăn, đi phân màu trắng kéo dài thành từng sợi.
- Cách chữa: Cho thuốc Dimetrydazole (5mg/1l nước hồ) hay Metronidazole (7mg/ 1l nước hồ) vào trong hồ cá. Lặp đi lặp lại trong vòng 3 ngày cùng với việc thay 20 – 30% nước hồ. Đôi khi cá cần được tiêm thuốc Metronidazole, nhưng việc tiêm gần những vùng bị bệnh chỉ nên được tiến hành bởi bác sĩ thú y có chuyên môn.

BỆNH PHÙ NỀ
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh này xảy ra ở cá do nước hồ quá dơ làm cá bị nhiễm khuẩn, hoặc cũng có thể do cá bị stress khiến cho cá bị phù nề toàn thân và bỏ ăn.
- Cách chữa: Với bệnh này, tuyệt đối không được bỏ muối vào hồ mà hãy mua thuốc trị bệnh phù nề ở cá tiệm cá cảnh.

CÁ BỊ NGỘ ĐỘC THỨC ĂN
- Nguyên nhân và triệu chứng: Có thể cá đã ăn phải thức ăn hết hạn đóng hộp hết hạn sử dụng hoặc thức ăn tươi sống nhiễm độc. Triệu chứng biểu hiện rõ rệt là cá lờ đờ, bài tiết phân dạng sợi màu trắng, bụng sình to...
- Cách chữa: Rút 2/3 nước hồ, sau đó dùng Metronidazole cho vào hồ cá, cá sẽ ói hết thức ăn ra và như vậy đảm bảo chắc chắn cá đã được “rửa ruột”.

BỆNH NẤM
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh này do vi khuẩn Saproglenia gây nên. Tình trạng nước dơ là môi trường sống của những vi khuẩn này. Những thay đổi đột ngột về môi trường nước, nhiệt độ, pH cũng có thể làm cho bệnh này xuất hiện ở cá. Nếu cá mắc bệnh này, ta sẽ thấy những sợ bông màu trắng xuất hiện ở miệng, trên mình, ở vây và đuôi cá. Cá nhanh chóng sụt ký.
- Chữa bệnh: Hãy cho muối và thuốc trị nấm Jungle Labs Fungus Eliminator vào hồ cá. Trong thời gian này, cần giữ cho cá được yên tĩnh, tránh bị stress.

BỆNH VIÊM RUỘT
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh sình bụng nếu không được điều trị dứt cũng sẽ gây ra viêm ruột. Ngoài ra cũng có thể do cá ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, vi nấm hoặc ký sinh trùng đường ruột.
Triệu chứng thường gặp là bụng và hậu môn cá sưng to, cá bỏ ăn, bài tiết ra phân trắng dạng sợi.
- Cách chữa: Đầu tiên bạn cần ngưng cho cá ăn, tiếp theo là nâng nhiệt độ nước lên 28 – 30°C, đồng thời cung cấp nước mới nhanh chóng (ngày đầu tiên thay 50% nước hồ, những ngày sau đó mỗi ngày rút ra và thay mới 10% nước hồ), sau đó dùng kháng sinh như Furazolidone, Chloramphenicol, Cotrim Forte... để điều trị theo hướng dẫn ghi trên hộp thuốc.

BỆNH KÝ SINH TRÙNG ĐƯỜNG RUỘT
- Nguyên nhân và triệu chứng: Rất có thể cá đã nhiễm giun tóc do ăn phải trứng giun qua ăn mồi sống. Triệu chứng là cá bơi lờ đờ, biếng ăn, màu sắc sẫm lại, đôi khi bài tiết ra phân dạng sợi trắng nhỏ.
- Cách chữa: Có thể dùng Flubendazole với liều lượng 10mg/100l nước trong vòng 3 ngày.

BỆNH LỞ LOÉT TOÀN THÂN
- Nguyên nhân và triệu chứng: Do ký sinh trùng đơn bào Hexamita gây nên. Khi cá ăn quá nhiều nhưng không tiêu hóa hết làm hồ nhiễm bẩn. Triệu chứng dễ nhận thấy là đầu và thân cá xuất hiện mụn nhỏ, giữa các kẽ vây có đốm đỏ. Từ đây, lở loét sẽ lan dần ra khắp mình cá.
- Cách chữa: Cho vào hồ cá dung dịch hòa tan bao gồm Furacilin liều 0,3cc với 0,1cc thuốc tím liên tục trong vài ngày đến khi hết bệnh. Hoặc cũng có thể dùng Metronidazole liều 750mg/100l nước. Sau 3 ngày tiếp tục dùng liều này. Khi điều trị cần thay 20% lượng nước trong hồ mỗi ngày.

BỆNH VIÊM DA
- Nguyên nhân và triệu chứng: Là do nước hồ cá ô nhiễm nặng từ thức ăn dư thừa để quá lâu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm... sinh sôi, nảy nở và gây bệnh cho cá.
Khi quan sát kỹ, ta thấy da cá có những vết thương sưng đỏ và ngày càng lan rộng. Cá thường hay cọ thân mình vào thành và đáy hồ.
- Cách chữa: Cần nhanh chóng cọ rửa và thay 1/3 lượng nước liên tục trong mấy ngày liền. Dùng kháng sinh Tetracyline liều 300mg/ 100l nước.

BỆNH NHÁT
- Nguyên nhân và triệu chứng: Cá bị stress nặng do bị quấy rầy hoặc quá ồn ào khiến cá hoảng loạn. Cá thấy người thường nhút nhát, ép vào thành hồ như bị mất phương hướng. Đôi lúc quẫy mạnh khiến vảy bị bong tróc, rách, gù co lại, màu sắc trở nên nhợt nhạt, thở gấp. Lâu lâu giật mình, bơi vòng vòng như lên cơn.
- Cách chữa: Không nên để hồ cá ở nơi quá ồn ào hoặc nơi có ánh mặt trời sáng chói chiếu thẳng vào, ổn định nhiệt độ nước ở 30°C, không cho cá ăn 2 ngày. Sau đó mới cho ăn vài con cá nhỏ hoặc tôm tươi lột vỏ. Hạn chế cho cá nhìn thấy người lạ, tránh làm cá hoảng sợ.

BỆNH NẤM DA
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh nấm da hay còn gọi là nấm thủy mi, xuất hiện như từng đám bông gòn trên mình cá, có khi trông như một lớp màng mỏng dạng bột màu trắng. Cá thường bị nấm xâm nhập vào da qua các vết thương trên mình.
- Cách chữa: Tăng nhiệt độ nước hồ lên 30°C, dùng muối liều 2 – 3% (khoảng 200 – 300g/ 10l nước), tắm cá trong vòng 10 phút.

NGOẠI THƯƠNG
- Nguyên nhân và triệu chứng: Những vết thương bên ngoài này xuất hiện có thể là do cá cắn nhau, va chạm vào thành hồ hoặc các thiết bị cứng, có góc cạnh trong hồ... làm cho cá bị trầy xước, sưng miệng. Những vết thương ngoài da này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ là cơ hội cho các loài vi khuẩn, virus thâm nhập gây bệnh cho cá.
- Cách chữa: Khi phát hiện cá bị bong tróc vảy, vây nên cho một lượng thuốc kháng khuẩn và muối hột vào hồ để phòng ngừa ký sinh trùng. Nếu vết thương lớn, vớt cá ra và để trên lòng bàn tay, dùng thuốc sát trùng thoa lên vết thương. Nếu vết thương đã bị nhiễm trùng cần phải sử dụng Furazolidone liều lượg 0.5 – 1.0mg/l nước hoặc Chloro Tetracyline liều lượng 10 – 20mg/l nước.

BỆNH HÕM LỖ
- Nguyên nhân và triệu chứng: Đây là căn bệnh thường gặp ở cá La hán. Khi cá mắc bệnh, đầu bị hõm xuống, cá biếng ăn, bụng hóp vào, bài tiết phân trắng hoặc có màu trong suốt. Nếu không chữa trị kịp thời cá sẽ bị chết.
- Cách chữa: Cần tăng cường Osspulvit hoặc Calcipot D3 nhằm bổ sung lân, vitamin A, D3, khoáng chất và sinh tố cho cá. Thuốc điều trị thường là Dimetridazole liều 5mg/1l nước, Flagil liều 5mg/1l nước. Ngoài ra bạn có thể đến cửa hàng cá cảnh để chọn mua đúng thuốc nhằm trị bệnh hiệu quả cho cá.

BỆNH MANG CÁ
- Nguyên nhân và triệu chứng: Nguyên nhân chính gây ra các bệnh trên mang cá là do cá bị nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Khi bị bệnh liên quan đến mang, cá thường có biểu hiện mang khép mở không bình thường, tơ mang bị sưng, niêm dịch ngoài da trắng hoặc ám tối.
- Cách chữa: Dùng thuốc Fumarine (150 – 250 ppm) 1 tiếng sau khi thay nước, hoặc Furaltadone liều 10 – 25mg/1l nước, Tetracyline liều 10 – 20mg/1l nước. Khi sử dụng thuốc trị bệnh cần sử dụng than hoạt tính hoặc thay nước thường xuyên.

BỆNH TRÓC VÂY VÀ ĐUÔI

- Nguyên nhân và triệu chứng: Vi khuẩn Pseudomonas là nguyên nhân gây ra hiện tượng tróc vây và đuôi ở cá La hán. Cá mắc bệnh sẽ có triệu chứng ban đầu như vây và đuôi bị rách, bên rìa có màu trắng, dần dần vây, đuôi biến mất. Màu sắc cá trở nên xám đục, vây co cụm lại.
- Cách chữa: Nên dùng thuốc Tetracycline bỏ vào hồ, đồng thời cách ly cá bệnh ra chỗ yên tĩnh.

BỆNH MÀNG NHUNG
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh này do một loại nấm sống trong hồ cá gây ra, nấm này sống và phát triển mạnh nếu nước hồ bị dơ. Cá mắc bệnh này có triệu chứng mệt mỏi, uể oải, ngừng bơi.
- Cách chữa: Bạn nên thả thuốc Copper Sulfate vào nước hồ theo tỉ lệ 1g Copper Sulfate và 0,25g axit xitric với 1l nước cất. Liều dùng: Pha 12,5 ml dung dịch thuốc với 10l nước hồ để dùng trong 10 ngày. Vào ngày thứ 3, 5 và 7, dùng phân nửa liều thuốc này.

BỆNH SÁN MANG CÁ
- Nguyên nhân và triệu chứng: Sự tai hại của bệnh này là khi sán tấn công vào mang cá, nó sẽ gây ra những vết thương trên mang, dẫn đến sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh có sẵn trong nước. Sán bám vào mang làm cá tiết ra nhiều chất nhầy, các cung mang dính lại với nhau, cản trở nước đi qua mang làm cá ngạt thở. Giai đoạn cuối của bệnh là cá ngoi lên, ngáp nước trên mặt.
- Cách chữa: Sử dụng hóa chất Metrifonate (Masoten, Dylox, Trichlorofon) để pha vào nước hồ liều 50mg/100l nước, ngâm liên tục như vậy không thay nước trong vòng 3 ngày, sau đó thay 50% nước và lọc liên tục qua than hoạt tính. Chỉ cần làm như vậy là đã tiêu diệt được hết sán lẫn ấu trùng và trứng của nó.

BỆNH SÌNH BỤNG
- Nguyên nhân và triệu chứng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này, có thể là do cá ăn một lúc quá nhiều thức ăn kiến bộ máy tiêu hóa làm việc quá tải. Cũng không loại trừ trường hợp cá ăn phải thức ăn khó tiêu hóa hoặc bị nhiễm khuẩn. Tóm lại là chế độ dinh dưỡng cho cá kém.
Triệu chứng thường gặp nhất là cá bơi lờ đờ, bụng sưng to, bài tiết ra phân trắng... nếu bệnh để lâu sẽ thành viêm đường ruột.
- Cách chữa: Trước hết phải coi lại chế độ ăn của cá đã phù hợp hay chưa, nếu chưa thì dù bạn có chữa lành bệnh cũng sẽ nhanh chóng tái phát. Cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn, vệ sinh nước. Đồng thời dùng Metronidazole và Cotrim Forte cộng thêm việc tăng nhiệt độ nước lên khoảng 30°C trong thời gian điều trị bệnh.

BỆNH VIÊM ĐƯỜNG RUỘT
- Nguyên nhân và triệu chứng: Có thể trong quá trình ăn mồi sống cá đã bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng. Sau đó những vi khuẩn và ký sinh trùng này bám trong đường ruột cá chờ cơ hội gây bệnh. Triệu chứng thường thấy là sau khi cá bài tiết phân, hậu môn còn dính lại những vật như sợi chỉ màu trắng. Bụng cá sình to, cá chán ăn, hậu môn sưng tấy, có thể chảy máu.
- Cách chữa: Trước tiên phải ngưng cho cá ăn mồi sống, thay vào đó là thức ăn đóng hộp có hàm lượng vitamin cao. Đồng thời nâng nhiệt độ nước lên từ 28 – 30°C, dùng dung dịch Furazolidone ngâm cá trong 20 phút cho đến khi cá có chuyển biến tốt. Nếu bệnh cá nặng cần tiêm 25mg Gentamicin Sulphategentamycin vào dưới da.

BỆNH SƯNG MIỆNG
- Nguyên nhân và triệu chứng: Nước hồ quá dơ là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này. Triệu chứng: Môi trên của cá có các hạt nhỏ, đôi khi nằm trong vòm miệng nên người nuôi không để ý. Bệnh phát rất nhanh, chỉ trong vòng nửa ngày miệng cá đã sưng lên, nếu nghiêm trọng, miệng cá có thể rớt ra, nếu kéo dài trên 3 ngày cá sẽ chết.
- Cách chữa: Ngâm cá bị bệnh với 1ppm thuốc Getamicin Sulphategentamycin hoặc Chloramphenicol trong vòng 10 phút. 3 ngày sau nếu miệng cá vẫn lở loét phải điều trị từ 7 – 10 ngày nữa. Nếu để bệnh nặng, khi trị khỏi miệng cá vẫn có dị tật.

BỆNH RÁCH MANG
- Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh do vi khuẩn gây ra khi chất lượng nước không ổn định, thức ăn không vệ sinh. Cá mắc bệnh sẽ thở gấp, nắp mang khép mở không bình thường, các sợi mang sưng lên, cá sẫm màu.
- Cách chữa: Hòa Furacillin và Tetracyline tạo ra 10 ppm dung dịch cho cá ngâm mình mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 30 phút đến khi hết bệnh. Bỏ 2% lượng muối so với thể tích nước trong bể để sát khuẩn.

BỆNH LỒI MẮT
- Nguyên nhân và triệu chứng: Triệu chứng là mắt cá lồi ra ngoài, nghiêm trọng hơn, mắt cá bị phủ một lớp màng mỏng khiến cho cá không thấy đường bơi hoặc tìm thức ăn, suy yếu dần rồi chết vì kiệt sức. Nguyên nhân do vi khuẩn trong nước bị ô nhiễm gây nên.
- Cách chữa: Vớt cá ra ngoài, dùng kem Erythromycin Eye Ointment thoa lên vùng mắt bị lồi ngày 3 lần cho đến khi lành hẳn. Cho 2 ppm dung dịch thuốc tím vào hồ cá để sát khuẩn.


Nguồn : Nuhoangkimcuong.com
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom