Guest viewing is limited

thephong_2005

Thành viên tích cực
Tham gia
30/8/07
Bài viết
460
Điểm tương tác
6
SVC$
0
Nguồn gốc và đặc điểm
Cá La Hán xuất hiện lần đầu ở thị trường cá cảnh Malaysia vào khoảng giữa của thập kỷ 1990-2000. Ban đầu, người ta muốn khám phá bí quyết lai tạo cá hồng két (red parrot) của người Đài Loan nên mới đem một số loài cichlid thuần chủng của châu Mỹ lai tạo với nhau với thành phần chủ yếu bao gồm Midas (Amphilophus citrinellus), Trimac hay Three-spot (Amphilophus trimaculatus), Red-terror (Cichlasoma festae), Red-head (Vieja synspilus) và cả cá hồng két nữa, tuy thực tế chỉ có nhà lai tạo mới biết đích xác những thành phần lai tạo còn không thì chỉ là phỏng đoán mà thôi. Kết quả ra sao chắc mọi người đã rõ, người ta không thể lai tạo được cá hồng két như dự tính lúc ban đầu, mà lại cho ra đời... cá La Hán. Loại cá lai này mang một số đặc điểm của các loài thuần chủng kể trên nhưng nổi bật nhất là cái đầu to và hàng chấm đen trên thân mình; và rồi chúng đã nhanh chóng tạo ra một trào lưu nuôi cá lan rộng trên toàn thế giới!

Về tên gọi, do các nhà lai tạo đã tập trung vào việc tạo ra các cá thể có đầu to gù như đầu của các vị La Hán nên người ta mới lấy tên các vị này mà đặt tên cho cá. Còn các tên Hoa La Hán hay flowerhorn có lẽ ám chỉ đến hàng chấm đen chạy dọc theo mình cá, mà nếu nhìn từ xa thì chúng giống như một nhánh hoa trong các bức tranh thủy mặc.

Về hình dáng, cá La Hán thời kỳ đầu có hình dáng tương tự với loài Trimac (bụng đỏ, mắt đỏ, có chấm trên đầu và thân, miệng móm) nhưng loài này lại có dạng đầu đặc trưng là đầu “xương” cho nên tôi tin là những cá thể La Hán đầu “hơi” được di truyền từ loài Midas. Midas được giới chơi cichlid Âu Mỹ nuôi làm cảnh mấy chục năm nay rồi và họ đã tuyển chọn được rất nhiều cá thể có đầu to đến mức không thể tin nổi, do đó không có lý do gì mà người ta lại không lấy chúng làm “chất liệu” cho việc lai tạo nên cá La Hán.

Về chấm đen, các chấm đen sắp thành một hàng liên tục trên thân cá là một dạng hình thái đặc biệt của loài Trimac bởi vì một con Trimac điển hình, như tên gọi của nó, chỉ có ba chấm mà thôi. Còn một dạng hình thái đặc biệt khác của Trimac lại không có chấm đen nào trên thân do mất khả năng tổng hợp hắc sắc tố, phần da bị khiếm khuyết sắc tố thường có màu đỏ hay vàng. Đặc điểm này khi di truyền cho cá La Hán lại mang ý nghĩa khác hẳn; chẳng hạn cá La Hán nếu chỉ có 3 chấm hoặc các chấm chỉ kéo đến giữa thân thì bị xếp vào loại “chất lượng kém”. Còn dạng không có chấm nào do khiếm khuyết sắc tố thì được gọi là Hoàng Kim làm người ta lầm tưởng rằng đó là một dạng La Hán khác. Có trường hợp, vài cá thể La Hán trong cùng một bầy khi trưởng thành tự nhiên “lột” xác thành Hoàng Kim làm cho người nuôi cá phải bối rối.

Các chấm đen đôi khi dính liền với nhau thành một vệt liên tục, đấy là một sự phát triển thái quá mà nhiều người không thích vì nó chiếm quá nhiều diện tích trên thân cá và làm cho màu sắc của cá bị “tối” đi. Một số cá thể có chấm đen phát triển lên phía trên gần vây lưng gọi là “hoa đôi” (double flowering hay double-row); hay xuất hiện ngay dưới viền mắt gọi là “lệ rồng” (dragon ‘s tear). Đặc biệt, cá có các chấm đen hình ký tự tiếng Hoa hay tiếng Ả Rập mang ý nghĩa tốt đẹp, được xem là điều mang lại may mắn cho người nuôi.

Có lẽ, ở vào một thời điểm nào đó lúc ban đầu, một số nhà lai tạo cố tình lai tạo cá La Hán với các chấm đen đặc trưng kể trên dù cũng có vài ngoại lệ được chấp nhận như Hoàng Kim, hay là dạng La Hán có thân cực ngắn giống như Hồng Két nhưng không được thị trường ưa chuộng lắm. Sau này, khi thị trường phát triển và có thêm nhiều nhà lai tạo tham gia vào lãnh vực này thì cùng với thời gian, nhiều dạng cá La Hán mới nối tiếp nhau ra đời như Trân Châu, Kim Hoa, Khỉ đỏ, Kamfa… mà một số trong chúng có rất ít chấm đen hay không hề có chấm đen nào. Vảy trân châu cũng có thể xuất hiện trên toàn thân cá chớ không giới hạn ở vùng xung quanh chấm đen. Đến đây thì đành chịu không thể đoán được cá La Hán có quan hệ với loài thuần chủng nào vì có hàng trăm loài cichlid ở Trung Mỹ có châu, nó là đặc điểm rất phổ biến, mà cũng chính vì nó mà người ta yêu thích cichlid và nuôi chúng làm cảnh. Chỉ có thể nói rằng, một số Kamfa có châu tương tự như loài Texas (Herichthys carpintis) và một số cá thể sau này có màu sắc và hình dáng tương tự như các loài ở chi Vieja và Paratheraps mà thôi. Nếu chấm đen đã từng là chuẩn mực để phân loại cá La Hán thì ngày nay, người ta chỉ nói nhiều về đầu hay có thêm châu thì càng tốt mà hầu như bỏ qua tiêu chí về chấm đen; hay nói theo cách khác, trong thời điểm hiện nay, không tồn tại một chuẩn mực cụ thể nào cho cá La Hán cả.

Mặt khác, theo lời một nhà lai tạo thì người ta lai cá La Hán với bất kỳ cá thể thuần chủng nào có các đặc điểm di truyền mong muốn, do đó mà việc xác lập các dòng cá La Hán là điều hầu như chỉ có tính tương đối, tức là chỉ xét trên các đặc điểm bề ngoài; thậm chí có nhiều cá thể tuy trông tương tự nhưng lại chẳng có quan hệ gì về mặt huyết thống. Bởi vậy mà việc xác định và phân loại các dòng cá La Hán là việc làm hoàn toàn vô vọng và vô nghĩa. Tự cái tên cá La Hán đã đủ để nói lên tất cả về các cá thể lai hỗn loạn này rồi.

Phong trào nuôi cá La Hán lên đến đỉnh điểm vào năm 2003 khi một con cá La Hán có thể bán ra thị trường Singapore với giá nhiều ngàn đô la kéo theo rất nhiều người đầu tư vào thị trường siêu lợi nhuận này. Kết quả là “cung” có quá nhiều so với “cầu” của thị trường làm cho nhiều nhà đầu tư bị phá sản và “sản phẩm” bị tống ra hệ thống kênh rạch ở Malaysia gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái ở đó.

Dù đây là một bước lùi nhưng nó không có nghĩa là phong trào sẽ đi xuống mà chỉ là lời cảnh báo trước những cuồng nhiệt thái quá vượt lên trên giá trị thực sự của con cá La Hán. Thực tế, phong trào vẫn đang phát triển một cách mạnh mẽ về cả về bề rộng lẫn bề sâu; bằng chứng là cái tên “cá La Hán” đã trở nên quen thuộc trên cửa miệng của nhiều người và có rất nhiều gia đình đặt hồ nuôi cá La Hán ở những nơi trang trọng như phòng khách. Có rất nhiều "giống" La Hán mới xuất hiện ngoài thị trường còn trên các diễn đàn cá cảnh thì cá La Hán là chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất. Xét trên khía cạnh cá cảnh thì chưa từng có loài cá nào lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đến như vậy.

Ngày nay, cá La Hán hiện diện ở khắp nơi trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản. Cá La Hán cũng xuất hiện ở cả châu Âu và châu Mỹ, nhất là trong các cộng đồng người châu Á sống ở đó. Mặc dù những con cá đẹp được tuyển chọn kỹ vẫn có giá rất đắt nhưng với một vài trăm ngàn bạn cũng có thể sở hữu được một chú cá cũng khá đẹp rồi. Ngoài ra, người ta nuôi cá này không chỉ vì vẻ đẹp hay hình dáng ngộ nghĩnh của chúng mà còn để cầu tài. Chúng ta sẽ đề cập đến chủ đề này ở phần sau.
 

thephong_2005

Thành viên tích cực
Tham gia
30/8/07
Bài viết
460
Điểm tương tác
6
SVC$
0
Thời của cá La Hán?

Theo quan niệm của một số người thì cá La Hán chính là cá phong thủy. Ngoài các màu đỏ và xanh trên mình chúng mang ý nghĩa thịnh vượng và may mắn, người ta còn lý luận rằng đầu cá nổi u lên như hình trái núi tức là tượng Sơn còn thân hình vuông vức của nó thuộc về hành Thổ. Nếu xét trên bát quái đồ thì cung Sơn-Thổ là cung Cấn, ứng với thời vận 8 trong hiện tại. Do vậy, nuôi cá La Hán vào lúc này là hợp thời vận, nhưng nếu vậy thì nhất thiết phải nuôi con La Hán có đầu thật to mới được! Còn nếu muốn đơn giản và tiết kiệm thì chúng ta cũng có thể mua và trưng tượng cá La Hán như hình dưới.


Theo chúng tôi, cách lý luận như vậy là khiên cưỡng vì tượng hình chỉ áp dụng cho các hành chớ không áp dụng cho các cung, vì nếu vậy thì cung Tốn, tức tượng Phong (gió) sẽ có hình gì? Vì vậy, đặc điểm thuận với thời vận, nếu chúng thực sự có ý nghĩa, chính là ở thân hình vuông vức và màu vàng-cam thuộc về hành Thổ mà thôi; và như vậy thì rất nhiều loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn khác cũng có thể được coi là cá “phong thuỷ”.

Việc gán một con cá cảnh với thời vận như trên có lẽ khởi đầu từ con cá rồng. Người ta lý luận như sau: thân hình con cá rồng trông giống như con dao, dao được làm bằng kim loại, như vậy cá rồng thuộc hành Kim! Với những con có màu trắng như Thanh Long hay Kim Long thì hành Kim lại càng mạnh. Vận 7 (1984-2003) đóng ở cung Đoài thuộc hành Kim cho nên giai đoạn đó mọi người đổ xô đi nuôi cá rồng vì cá rồng “hợp thời”. Nhưng mà cách gán như vậy cũng nảy sinh vấn đề bởi vì đã nói về thời vận thì phải có lên có xuống. Bây giờ bước sang vận 8 (2004-2023), con cá La Hán lên ngôi, những gì ứng với vận 7 đều rơi vào thoái cung, không xấu cũng không tốt. Nhưng bước sang đến vận 9 (2024-2043) thì những gì lên quan đến vận 7 sẽ rơi vào sát cung, rất không tốt. Vậy khi đó hỏi còn ai muốn nuôi cá rồng nữa hoặc là nếu đang nuôi thì có đem vứt đi hay không?

Thời vận thường được gán cho công trình xây dựng, cụ thể là ngôi nhà dựa trên năm mà nó được xây dựng bởi khí trường thịnh suy của nó sẽ tác động lên những người sống bên trong. Loài cá rồng đã xuất hiện trên trái đất cả trăm triệu năm nay rồi và vẫn tiếp tục tồn tại; vận mệnh thịnh suy của chúng trong lịch sử tiến hoá, nếu có, chắc phải tính bằng đơn vị triệu năm. Do vậy việc gắn cá rồng, cá La Hán hay bất kỳ loài nào khác với một thời vận cụ thể phải chăng là hành động quá khiên cưỡng? Cá nào cũng vậy mà thôi bởi vì con cá tự bản thân nó đã có những ý nghĩa tốt đẹp trong phong thuỷ.
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom