Guest viewing is limited

cobebandiem

Thành viên tích cực
Tham gia
7/11/08
Bài viết
326
Điểm tương tác
1
SVC$
0
HỘI LAN HẢI HẬU


Không hiểu tự khi nào trong tôi đã hình thành một thói quen: Khi có một niềm vui, tôi thường tìm đến những người bạn sống ở thành phố những mong được cùng các bạn chia sẻ, những muốn niềm vui được nhân lên.

dsc0563.jpg

(ảnh của bác Trường Hoàng Thảo)

Còn khi buồn, khi có nỗi niềm nặng nề, tôi lại thích nhao về nông thôn - ở đây tôi có những bạn viết. Văn chương của họ cũng bình bình vậy thôi, chưa nhiều người biết tiếng. Nhưng họ sống thành thật. Họ nghèo nhưng họ lại có những thứ giống như những liều thuốc giảm đau vậy. Một trong những người tôi hay lui tới là anh Nguyễn Bổng. Bổng hơn tôi một tuổi và cùng nhập ngũ một dạo. Hết chiến tranh, Bổng về quê trước tôi. Về làng, làm người dân, kiếm sống bằng đủ mọi nghề cực nhọc. Hai mươi sáu tuổi thì được dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã Hải Tây. Giữ chân chủ tịch được mấy năm lại làm bí thư suốt từ bấy đến nay - đã hai mươi lăm năm có lẻ. Bổng được tín nhiệm lâu bền thế, bạn bè có nhiều cách giải thích khác nhau, cách nào cũng là thiện chí. Riêng tôi, tuy không nói ra với Bổng, tôi cho rằng cái thú chơi lan đã góp phần mang lại cho anh diễm phúc ấy. Bổng đã thấm nhuần triết lý của các loài lan, vận dụng vào phong cách sống của mình. Dĩ nhiên ở đây không phải Ngọc Lan, Lan Tiêu, Lan Tây... mà ta thường trồng ở cửa đền, chùa, trong khuôn viên các công sở hay trước sân nhà ta ở. Các loài lan này phổ thông lắm, ai muốn là có ngay thôi. "Vua chơi lan, quan chơi trà" ấy là nói các loại địa lan dành cho vua chúa mới là lan quý, lan thiêng. Nghe nói các loại địa lan này có từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, do người Trung Hoa thuần hoá từ các loài phong lan hoang dã nơi thâm sơn cùng cốc. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng thì trong vườn của ông vua này đã có vài chục loại địa lan. ở ta phải đến triều đại nhà Trần thì các loại địa lan mới xuất hiện nhiều trong cung điện cũng như ở các vườn kim quất Thiên Trường.

dsc0554.jpg


Ngày nay, thú chơi lan không còn là thú độc quyền của một ai nữa nhưng không phải ai cũng chơi được địa lan. Địa lan có hàng trăm loài; loài càng quý càng kén người chơi. Hội hoa xuân ở Hải Hậu có tới hơn trăm thành viên nhưng hội chơi lan thì chỉ có hơn chục người. Họ là những viên chức đã về hưu hoặc còn đương nhiệm, lại có cả những thợ cày, thợ cấy. Không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, họ cụm lại với nhau thành hội chơi lan là bởi cùng chung một sở thích, đồng cảm với nhau ở cái tâm, đồng điệu với nhau ở cái trí. Các ông Lại Văn Thân (hội trưởng), Đử Văn Mạch, Nguyễn Tường, rồi ông Bỉnh, ông Quang, ông Bình, ông Khoa... đều là những chuyên gia trồng lan nổi tiếng. Trong vườn nhà các ông hiện nay có vài chục triệu đồng tiền lan, có người hàng trăm triệu đồng. Ông Sáng, ông Tác thì bán cả thổ đất để lấy tiền ươm lan. Trong vườn nhà hai ông hiện nay có những chậu lan trị giá 5-7 triệu đồng. Gia tài nhà các ông không bằng một vườn lan nhưng ai đến trả giá mua lan các ông cũng không bán. Bà Nhung, bà Vóc, bà Hồng tuy là nông dân chính hiệu nhưng vào thăm vườn lan nhà các bà không ai dám coi thường cái khiếu thẩm mỹ của các bà.

2009216213913.jpg


Trong khu vườn xinh xắn trước sân nhà Nguyễn Bổng cũng có hàng trăm chậu lan và không hiếm những chậu lan quý như Hoàng Điểm, Thanh Vũ, Ngọc Bảo, Kim Bào... Bổng cũng là thành viên của hội lan Hải Hậu nhưng anh chỉ dám nhận mình là người đang tập trồng lan. Anh nói, nghề nào cũng có thầy, có trò. Nghề càng khó càng hiếm thì đạo thầy trò càng phải lấy làm trọng. ở Hải Hậu, nghề trồng địa lan có rất sớm. Những năm chiến tranh chống Mỹ đất Hải Hậu không chỉ phải hứng những quả bom, quả rốc-két từ những chiếc máy bay F4H, F105 bắn xuống mà còn hứng hàng vạn quả đạn pháo tầm xa từ những chiếc tàu chiến của hạm đội 7 bắn vào. Đất Hải Hậu có ngày giống một cái chảo lửa. Nhưng ngay từ ngày ấy, trên đất này đã xuất hiện những loại địa lan quý như Lan Bạch Ngọc, Lan Tứ Quý và tác giả của chúng là các cụ Đử Kim Huệ, Lưu Ngọc Quỷnh, Nguyễn Vũ Kiểm rồi dần dần bổ sung thêm cụ Duy, cụ Đính, cụ Quảng, cụ Phiu... Người chơi lan thuở ấy trong đầu ít nhiều có đôi ba chữ thánh hiền, biết dăm bảy câu thơ Đường Phủ, Lý Bạch. Một bát nước mưa cuối đông hiếm hoi các cụ dành pha trà một nửa, dành cho lan một nửa. Những chậu lan như có thiên tính đã gắn chặt cuộc đời các cụ lại với nhau.

2009216214223.jpg


Nguyễn Bổng khoe với tôi rằng, hội chơi lan ở Hải Hậu được rất nhiều người chơi hoa quanh vùng nể trọng. Hải Hậu có cái thuận là sẵn đất trồng lan. Kinh nghiệm dày dạn của những chuyên gia bậc thầy về lan thì cứ đất nào trồng được lúa tám xoan là đất ấy sẽ trồng lan lý tưởng. Đất sa bồi Hải Hậu trồng lúa tám xoan thơm ngon nức tiếng xưa nay, trách gì những chậu địa lan của Hải Hậu đưa lên thành phố, người sành chơi nhìn thoáng là nhận ra ngay: rễ giàu, tỏi mẩy, kệ bền, hương thơm dai. Cứ tháng mười ta, khi lúa tám xoan vừa gặt, đất ruộng cày lật phơi khô, người ta lại lấy lớp đất trên cùng chặt nhỏ (chặt chứ không phải giã) vo cạnh cho tròn viên đất rồi đổ vào chậu trồng lan hoặc thay đất cho lan. Khâu chọn giống, ươm giống, chăm sóc mới thật là công phu. Để có một chậu lan đơm hoa phải chăm sóc, nâng niu từ một năm đến vài ba năm. Người nôn nóng, thực dụng sẽ rất xa lạ với nghề ươm lan.

sieuthiNHANH200902174708m2u3njc1mg251573.jpeg

(ảnh của bác Dovantrungtu)


Ngoài vườn lan của Nguyễn Bổng, tôi đã có dịp thăm một số vườn lan khác trong hội chơi lan Hải Hậu. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ trước các loài lan quý, trang trọng, thành kính và đắm say. Tôi cảm giác thấy cái tinh tuý của đất, của nước, của gió, của mưa, của hương thơm con gái dậy thì kết tinh, hội tụ, thẩm thấu trong mửi cánh hoa. Tôi phục lắm những ai đó đã đặt tên cho các loài lan bởi cái tên phản ánh đúng bản chất từng loài: Thanh Vũ, Thanh Ngọc thì mảnh mai, lấp lánh; Hoàng Cẩm Tố, Đại Trường Diệp bông vươn cao, phóng túng; Hoàng Vũ thì kiêu sa, quý phái...

Tôi thăm dò Bổng rằng xem lan, thưởng thức lan vào lúc nào là thích nhất. Bổng nói rằng hoa lan rất lâu tàn, từ lúc hé mở cho đến độ mãn khai trung bình phải nửa tuần trăng. Hương lan toả liên tục nhưng để cảm được trọn vẹn nhất là buổi sớm và buổi tối. Đấy là nói thưởng thức cá nhân. Còn ở Hải Hậu mấy năm nay hội chơi lan sáng tạo ra một cách thưởng thức có tính tập thể, nghĩa là cả hội cùng ngắm hoa trong một thời điểm, gọi là tiệc lan. Tiệc lan? - Tôi ngạc nhiên - Lần đầu tiên tôi nghe nói tiệc lan đấy.

- Gọi tiệc lan là đích danh nhất - Bổng nói. Đâu phải cứ mâm cao cử đầy, cao lương mỹ vị, rượu tây, rượu tàu mới xứng đáng gọi là tiệc! Này nhé, để có một bữa tiệc như thế trong thời buổi này chỉ cần nhấc máy điện thoại bấm mấy số gọi về một khách sạn thì một hai tiếng sau đã có thể ngồi vào mâm nâng cốc. Còn để có một tiệc lan, đôi bàn tay của chúng tôi phải hoá thân vào bàn tay của hoá công một năm mới dọn nổi, tiệc mặn mà xơi nhiều sẽ quá khẩu thành tàn, thậm chí còn rước hoạ. Còn thưởng thức lan, cũng như văn chương, nghệ thuật, nào ai dám bảo đã đi tới tận đỉnh rồi?.

Tiệc lan của hội chơi lan Hải Hậu được tổ chức vào ngày mồng bảy tết Nguyên đán hàng năm. Tại sao lại là ngày mồng bảy? Tôi hỏi thì Bổng cho biết, dịp ấy tiết xuân bắt đầu đẹp, đất trời giao hoà, mưa bụi lất phất, mỏng tang, giăng như sương, như khói. Những chậu lan qua dịp Tết đã đến kỳ nở rộ. Cả hội lan, tất cả các thành viên đều phải tắm táp cho sạch sẽ, sau đó mửi ngày bê một chậu, nghĩa là một loài lan (theo sự phân công từ tiệc lan mồng bảy tết năm ngoái) mang đến nơi đã hẹn. Đó là một căn phòng thoáng đãng, có thế phong thuỷ nhuần hoà. Sau lời khai mạc ngắn gọn, súc tích và minh triết của ông hội trưởng, mọi người nhấp một chén trà ướp hương hoa rồi bắt đầu vào tiệc. Họ ngồi quây quanh từng chậu lan ngắm nghía rất kỹ, thưởng thức từng nét cong của cành hoa cho đến màu xanh của cọng lá, hít thật sâu mùi hương vào phổi, nhắm mắt lại như toạ thiền để cho hương lan thấm vào từng mạch máu, từng tế bào; cảm nhận thật sâu linh khí mà "Chúa xuân" ban phát. Sau khi thưởng thức hết lượt các loài lan, cả hội ngồi quây lại phẩm bình, cho điểm từng chậu. Ai có thơ về lan thì đọc hoặc ngâm vịnh. Căn phòng nơi diễn ra tiệc lan bửng trở thành một "ngôi đền" thiêng. "Chúa Xuân" ngự trong mửi cánh hoa lan trở thành "Đức Chúa". Các thành viên trong hội lan trở thành những "tông đồ" mặc cho ngoài kia cơ chế thị trường mua bán lao xao, lẻng xẻng kim tiền. Kết thúc tiệc lan, ông hội trưởng phát biểu bế mạc và phân công chuẩn bị cho tiệc lan năm sau.

sieuthiNHANH200902174708njeynwm4n2264568.jpeg


Trong các tiệc lan mấy năm nay ở Hải Hậu, ta thấy các loại lan tham dự có đủ màu sắc, nhưng nổi trội và chiếm số nhiều vẫn là màu vàng (hoàng) và màu đen (mặc). Màu vàng thì có Ngọc Bảo, Kim Bào, Thanh Trường; đặc sắc hơn thì Đại Hoàng, Hoàng Vũ... Thế còn màu đen, tôi nói với Bổng rằng, tôi chưa cảm thấy hết cái đẹp thực sự của những cánh hoa lan màu đen. Xưa nay đã nói đến hoa trong tôi chỉ có khái niệm màu hồng, đỏ, vàng, trắng, xanh, tím, nâu... chứ màu đen thì hình như tôi chỉ mới biết có bông tuylip trong tác phẩm của Alêcxăng Đuyma (con) và bây giờ thì biết qua hội lan Hải Hậu. Bổng nói:

- Các loài địa lan có hoa màu đen mang những đặc điểm rất riêng đấy. Lá của nó như dày hơn, cứng cáp hơn, màu xanh đậm hơn, khi có gió khẽ vặn mình theo lườn thuận. Những giò lan màu đen trông rất mập mạp, khoẻ khoắn, nhưng lại có vẻ khiêm nhường; cánh hoa phân bổ rất nghệ thuật, hợp lý. Dù Huyền Lan, Đại Mặc hay Mặc Biên đều có mùi hương dịu mát, bịn rịn. Từ khi ngậm sương hé mở đến lúc mãn khai, các cánh hoa như vũ nữ biến hoá tài tình trong bộ cánh nâu đen nhánh, thâm u, huyền bí...

- Vậy thì trong các màu lan, màu nào là chúa tể? - Tôi hỏi Bổng.

- Cho đến tận xuân này - Bổng đáp, người ta vẫn còn chia hai phái tranh luận. Phái chuộng màu vàng thì nói Hoàng là quý phái, sang trọng, là chúa tể (điều này thì ai cũng thừa nhận rồi, khỏi phân tích nữa). Phái của màu đen thì khẳng định Mặc mới là chủ soái. Và cuộc tranh luận này chắc còn dài dài. Như thế cuộc sống mới vui, mới phong phú và có ý nghĩa. Thẩm mỹ không phải là thứ bất biến, nó sẽ tự điều chỉnh theo văn hoá của từng thời đại, từng khu vực địa lý. Chẳng hạn như người phương Tây quan niệm màu đen là màu xúi quẩy; họ thiên về chơi màu vàng. Phương Đông thì quan niệm màu đen uyển chuyển hơn. Màu đen tượng trưng cho tang tóc nhưng lại có nghĩa là sự hoá kiếp trở về điểm khởi thuỷ. Thuỷ là nước. Vậy màu đen là màu tượng trưng của nước. Kinh Thánh nói: "Khởi thuỷ là hành động". Đêm ba mươi, trước giao thừa người ta kín nước mang về nhà là để cầu cho mưa thuận gió hoà, giàu như nước lên. Hoành phi, câu đối, thờ tự trong đền chùa, bàn thờ tổ tiên cũng thường tô sơn đen bóng. Ngày tết xưa, các cụ đều áo the, khăn xếp, ô che đầu là màu đen tuyền cả. Các tranh thuỷ mặc treo chơi tết cũng chỉ một màu đen. Tóc, mắt, lông mày - những thứ trọng yếu làm nên vẻ đẹp của con người, chẳng là màu đen đó sao! Vậy ai dám bảo màu đen không có ý nghĩa, không sang trọng?.

mxn4u4amx2un1tyj2aty.jpg

(ảnh của bác Raika)

Bổng tỏ ra tiếc nuối vì còn nhiều loại lan quý chưa có mặt trong các tiệc lan hàng năm ở Hải Hậu như: Hội Điểm mùa Hạ, Trần Mọng mùa Thu, Đông Mặc mùa Đông... Vậy nên những lời bình về nó hãy còn bỏ ngỏ. Đất trời huyền bí lắm. Các loài địa lan cũng vô cùng huyền bí. Những người chơi lan đều phải tìm ra những chìa khoá của nó. Nhưng có điều mà tôi nhìn thấy: những ai biết chơi lan thì ít nhiều họ cũng có một triết lý sống nào đó tuỳ theo sự cảm nhận, suy ngẫm của họ trước mửi nhành hoa, và tôi cam đoan rằng tất cả những triết lý đó đều mang tính thiện, đều đáng trân trọng. Sống gần những người như thế ta thấy yên tâm lắm!

(Nguồn: haihau.org - namdinhfc.org)


<TABLE><TBODY><TR><TD>
Hoàng Vũ (của bác Thanh dầu khí)</TD><TD class=content></TD></TR></TBODY></TABLE>
<HR color=lightgrey SIZE=1>
 

cobebandiem

Thành viên tích cực
Tham gia
7/11/08
Bài viết
326
Điểm tương tác
1
SVC$
0
Văn học nói về thú chơi lan cũng khá nhiều, xin giới thiệu cùng các bác tập truyện ngắn Tầm Lan của nhà văn quân đội Dương Duy Ngữ!

------------------------------------------------------------------------------
http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/gio...005/06/444669/

Yêu hoa, trồng hoa, thưởng hoa như là một sở thích của mỗi con người. Nhưng thật sự say đắm và hoàn toàn thấu hiểu cùng hoa thì ít người làm được. Miêu tả vẻ đẹp của hoa lan, việc chăm sóc hết sức công phu của những người yêu lan, đó là nội dung chính trong tập truyện “Tầm lan” của Dương Duy Ngữ.


Độc giả sẽ như được mở rộng tầm mắt với những loài hoa hết sức kỳ lạ như: mặc lan (có cánh màu đen ánh như mực tàu), hoàng vũ (khi nào nở, giò hoa trở thành cái trụ cho hoa múa vòng quanh, ông mặt trời lên đến đâu là hoa dịch chuyển về hướng đó. Có thể vì vậy mà người ta gọi hoàng vũ là hoa vũ điệu đón ánh mặt trời (truyện “Tiệc hoa”), hạc đính (đài hoa xòe ra, thân trĩu xuống chẳng khác gì hạc bay… Và rồi ngộ ra cùng với người viết: Giữa loài lan hạc đính và loài chim hạc có sợi dây vô hình nào ràng buộc với nhau không mà loài thực vật và động vật có cùng tên gọi này lại giống nhau đến kỳ lạ? (truyện “Người trồng địa lan”) hay loài hoa kỳ điệu ấy cũng có hồn…

Đọc tác phẩm này người đọc sẽ biết thêm rất nhiều kiến thức quý báu về những loại địa lan. Người đọc sẽ bắt gặp trong truyện những ông lão có thú vui trồng lan, thưởng lan, rồi mở tiệc, mà lạ thay trên bàn tiệc lại cũng chính là lan (truyện “Tiệc lan”). Người đọc sẽ biết thêm được nhiều loài lan quý hiếm, cách chăm sóc chúng mà trước nay chưa được biết đến như: hạc đính, mặc lan, hoàng điểm… Những loài lan đài các kiêu sa đó cần một sự chăm sóc hết sức tỉ mỉ: “… Nó không phàm ăn tạp uống như loài hoa dại. Ông có cả ang nước mưa để tưới địa lan. Khi nào ông trời đại hạn thì mới dùng nước giếng khơi. Nhưng phải đổ vào ang vài ba hôm cho nước lắng trong rồi mới tưới. Sáng sớm, chiều tà, ông tôi lấy khăn bông sạch dấm nước lau từng chiếc lá… Địa lan biết người biết ta lắm. Ai chăm “rửa mặt, gội đầu” cho nó là mặt nó mơn mởn, tươi sáng như gương mặt con gái đang độ tuổi trăng tròn" (truyện “Người trồng địa lan”). Và bên cạnh những chậu lan quý hiếm không thể thiếu bàn tay chăm sóc của những vị chủ nhân như: cụ Từ Đình (vì cụ giữ đình), cụ Phúc Xuyên, ông Mộc Dịch…


Trong tuyển tập “Tầm lan”, tác giả còn đề cập đến một số loài hoa khác như: thủy tiên, hoa trà… Đây là những loại hoa khi trồng cũng không kém phần công phu. Để có được một chậu hoa ưng ý, phục vụ nhu cầu của người yêu cây cảnh, của những vị khách khó tính, cần phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi từng tí một. Một chút sơ xuất là hỏng. “Con dao cau sắc lẹm trong tay, có hôm cụ ngắm nghía nghĩ ngợi trước củ thủy tiên cả giờ đồng hồ chỉ để chích tỉa có một mũi dao vào một điểm nào đó đủ kích thích nó đơm nụ nở hoa vào đúng ngày mồng một tết. Đã không có thủy tiên thì thôi chứ có thì phải cắt gọt thế nào đó để cho nó nở đúng vào ngày đầu xuân mới tài. Còn nở trước Tết, sau Tết là bỏ đi… cho nên có phải ai cũng đón xuân bằng hoa thủy tiên được đâu” (truyện “Thủy tiên”- tr110).

Dương Duy Ngữ rất thành công trong việc miêu tả loài hoa đài các kiêu sa, chứng tỏ ông đã bỏ ra không ít công phu tìm tòi nghiên cứu. Ông thật sự tâm huyết đối với công việc trồng hoa, thưởng hoa, và ông cũng đã yêu hoa mới cảm nhận được sâu sắc đến thế. Nhưng đến kết thúc mỗi câu chuyện, người đọc cảm nhận được sự đè nén tiếng thở dài của tác giả khi số phận những người yêu hoa lẫn những chậu hoa hình như quá buồn. Những người tri kỷ, am hiểu và yêu quý hoa không nhiều, nhưng mua hoa thì rất đông và xong mục đích của mình là lại vứt đi: “… Thân cây quất như người con gái có thì dẫu xấu, dẫu đẹp, cây nào tiền ấy cũng chỉ có giá đến hết ngày 30 Tết… Từ chiều ngày mùng một ấy, tôi đâm ra hay để ý hai bên vỉa hè và thùng rác công cộng. Tôi luôn bắt gặp những cây quất xác xơ, khô héo, quăn lá nằm rải rác trên hè đường, nằm chất chồng, chất đống trên xe rác” (truyện “Làm thân cây quất” tr.37).
“Tầm lan”, tập hợp 14 truyện ngắn của Dương Duy Ngữ sẽ đưa bạn đọc thưởng ngoạn trong một vườn hoa đầy hương sắc bằng những câu chuyện kể. Sách do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2005. V.T
 

cobebandiem

Thành viên tích cực
Tham gia
7/11/08
Bài viết
326
Điểm tương tác
1
SVC$
0
Lâu lâu đọc lại vẫn thấy hay, xin chép lại để các bác cùng đọc cho vui ạ!
ảnh trong bài của một số bác trên Dalatrose cung cấp
--------------------------------------------
HƯƠNG CUỘI

Nhà văn Nguyễn Tuân

Bữa tiệc "Thạch lan hương" được bày ra dưới bàn tay khéo léo của nhà văn Nguyễn Tuân, một bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ dân tộc mang một vẻ đẹp kỳ lạ đối với những người ở thời đại của "đồ ăn nhanh"...
Đứa cháu đích tôn và lũ cháu ngoại đang loay hoay ngoài sân với những đồ đồng ngũ sự lổng chổng trên đám trấu và tro đẫm nước.
Ông chúng, cụ Kép làng Mọc, cũng đang loay hoay với mấy chục chậu lan xếp thành hàng dưới giàn thiên lý.
Trái với thời tiết, buổi chiều cuối năm gió nồm thổi nhiều.



Cơn gió nồm thổi nhẹ, như muốn nhạo cái ông già kia mặc cả một tấm áo trấn thủ bằng lông cừu trắng. Trời nồm nực, bức đến tắm nước lã được, ông cụ Kép mặc áo lông cừu xứ Bắc! Không, đấy chỉ là một thói quen của cụ Kép. Mỗi khi cụ ra thăm vườn cảnh, trong một năm, trừ những ngày hạ ra không kể còn thì lúc nào cũng khoác tấm áo cừu. Mùa xuân, mùa thu, khí hậu ấm, áo mở khuy. Sang đến đông tuyết, cụ cài hết một hàng khuy nơi áo, thế là vừa. Trong cái vườn cây nhỏ, trong đám cỏ cây xanh rờn, những buổi sớm tinh mơ và những buổi chiều tàn nắng, người ta thường thấy một ông già lông mày bạc, tóc bạc, râu bạc, mặc áo lông trắng, lom khom tỉa những lá úa trong đám lá xanh. Cụ Kép nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũ hoa thơm cỏ quý.
Buổi chiều ba mươi Tết năm nay, cả một cái gia đình cũ kỹ nhà cụ Kép đang tới tấp dọn dẹp để ăn tết.


Mợ ấm cả, mợ ấm hai ngồi lau lá dong chăm chỉ. Thỉnh thoảng họ ngừng tay để hỏi nhau xem còn thiếu những thực phẩm gì trong cái mâm cơm cúng chiều nay. Lũ con đàn bi bô ngoài sân. Chúng đang đánh bóng ở ngoài sân những lư, đỉnh, cây đèn nến bằng đồng mắt cua và bằng thiếc sông Ngâu. Chốc chốc, lũ trẻ ại mỉm cười, nghển những đầu thưa thớt ít sợi tóc tơ, nhìn vào phía trong nhà cầu, hỏi mẹ chúng:
- Bao giờ cậu mới về, hả mợ?
Không biết nên trả lời con trẻ thế nào cho tiện, mợ ấm cả đưa mắt cho mợ ấm hai.
Ông ấm cả và ông ấm hai, đi làm việc ở tận xa chưa thấy về ăn Tết. Cứ lời những người trong làng có người đi làm việc nhà nước thì được nghỉ những từ chiều hai mươi chín kia mà. Muốn được khuây nỗi mong, hai chị em dâu, người đã đứng tuổi, càng thái đồ nấu cỗ cho thực nhanh. Gớm, những miếng trứng tráng để bày mặt cỗ bát, thài hình miếng trám, sao mà đẹp thế. Đứng bên cạnh mẹ, đứa nhỏ nhất trong đàn con đã thủ thỉ van nài mợ ấm hai:
- Mợ cho con cái miếng mợ cắt hỏng kia nhá!
Người mẹ không nghỉ tay làm việc trên tấm thớt. Lừ mắt nhìn con. Thằng bé vội chạy ra ngoài, sán đến cạnh cụ Kép:
- Ông đang làm gì thế hở ông?
- Ấy chết, cháu đừng mó vào hoa của ông. Ông đang thăm xem đúng hôm nào thì hoa của ông nở đủ.
- Ông cho cháu một cái... Cháu xin ông cái lá gẫy kia nhá!
- Cháu không nghịch được những thứ này. Thôi, đi lên trên nhà với ông. Mợ cháu mà trông thấy cháu ra nghịch cây của ông, thì cháu lại phải đòn đấy.
Nhớ đến trận đòn phất trần hôm nọ, vì trót nghịch gẫy mất mấy giò lan của ông nội, thằng bé mặt phụng phịu và hai tay đánh đai vào mình ông già, kéo trĩu cả tấm áo lông cừu. Nó làm nũng ông và quấn quít lấy ông, mong ông sẽ che chở cho, nếu mẹ nó nom thấy nó ra nghịch chậu cây cấm.

sieuthiNHANH200902215108nwrkzguwog173279.jpeg

(ảnh của bác ptphuong)

Cụ Kép cười khà khà. Rồi cụ lại vạch từng gốc rò lan, xem xét tỉ mỉ đến màng hoa, đến rò lan và thân lá. Hết chậu này đến chậu khác.
Tưởng chừng như cháu mình cũng là một người biết đến chuyện chơi cây, hiểu đến thời tiết trong một năm, có đủ những kinh nghiệm, thói tục và thông minh của người lớn, ông già đã nói với cháu bé:
- Tự nhiên, cuối năm lại nổi gió nồm. Cháu có thấy bực mình không? Ông tiếc cho mấy chục chậu lan của ông quá. Nở hết thôi!
Đứa cháu không hiểu đến ý nghĩa câu than phiền của ông già, ngửng bộ mặt ngây thơ lên, hỏi hai ba lần:
- Hoa sắp nở, sao lại tiếc hở ông?
Cụ Kép nhìn lại cái người bé tí hon đứng với mình trong vườn lan, thân cao không vượt khỏi cái lá lan uốn cầu vồng, cụ Kép đãi đứa cháu ngây thơ một nụ cười rất độ lượng, mắt nhấp nháy kính tuổi:
- Nếu không có nồm, thì hoa trong vườn ông còn lâu mới nỏ. Hoa sẽ nở nhằm vào ngày rằm tháng giêng. Đúng vào ngày Tết Nguyên Tiêu. Ông cháu chúng ta sẽ có hoa mà thưởng xuân, cháu đã hiểu chưa? Bây giờ cháu chạy vào gọi bõ già ra đây cho ông bảo.
- Bõ đi ra bờ ao rửa đá cuội từ ban trưa kia ông ạ.
Phải, phía cầu ao trong vườn cụ Kép, một người lão bộc, đang lom khom dúng rổ đá xuống nước ao và sàng sẩy rổ đá như kiểu người ta sàng mẹt gạo. Tiếng đá bị tung lên dập vào nhau kêu sào sạo, khiến lũ cò trắng nghỉ chân trên lũy tre vội bay mất. Bõ già nghỉ tay, nhìn đàn cò sợ hãi bay cao, với nét cười của một người chịu vui sống trong sự an phận.
Bõ ở với cụ Kép đã lâu lắm. Cái hồi cụ Kép còn là một thầy khóa sinh hai mươi tuổi, bõ già đã nếm cơm ở của nhà này rồi. Chính bõ vác lều chõng cho cụ đi thi tú tài. Những việc lớn nhỏ trong nhà, bõ đều nhớ hết. Bõ nhớ cả đến ngày giỗ giúi trong họ. Không có bõ nhắc nhỏm có lẽ nhiều lần mợ ấm cả đã bỏ mất ngày giỗ. Bõ già hình như chỉ trải cuộc sống của mình để hằng năm, nhắc nhỏm đến những ngày giỗ trọng và giỗ giúi của gia đình người khác.
- Thưa mợ, đến mười sáu tháng tư này lại là chính kỵ cụ ngoại... Thưa mợ...
Mợ ấm cả, muốn tỏ sự cảm ơn, kín đáo đãi bõ già một miếng trầu kèm miếng cau tươi mềm. Trong cái gia đình yên lặng này, bõ già được thiện cảm của mọi người, không phải vì ỏn thót mà chính vì lòng thẳng thắn. Lắm úc trông tội nghiệp lạ. Bõ tính toán, xếp đặt việc nhà chủ y như một người có quyền lợi dính dấp vào đấy. Cái hoài bão to lớn của bõ, là lúc trăm tuổi nằm xuống sao được một cái "áo" gỗ vàng tâm thật dày.
Ở đây, không ai nỡ nói nặng bõ. Và, đến những việc nặng, mọi người đều tránh cho bõ già. Công việc thường trong một ngày, có nhiều hôm chỉ thu vào việc chuyên trà tàu và thay bã điếu cho cụ Kép. Thậm chí trong những ngày cuối năm bận rộn như hôm nay, mà bõ già cũng không phải mó tay vào việc gì cả. Làm lợn gói giò chả, vo gạo, đồ đậu xanh làm bánh chưng, làm dầu đèn, lau bàn thờ, nhất nhất không việc gì phải qua tay bõ. Mãi đến trưa hôm ba mươi Tết, cụ Kép mới bảo bõ già đi rửa mấy trăm hòn đá cuội trắng. Nghe thấy bõ già nhận lấy cái việc rất ngộ nghĩnh đó, cả nhà đều cười. Thứ nhất là lũ trẻ con. Cụ Kép vẫn nghiêm trang dặn người bõ già:
- Bõ đem đá ra bờ ao rửa cho sạch. Lấy bẹ dừa mà kỳ cho nhẵn, cho trắng tinh ra. Xong rồi,lựa những viên đá tròn bỏ vào một cái rổ. Những viên đá xù xì, không tròn trĩnh, để một rổ khác.
Bõ già tỏ ý hiểu:
- Thưa cụ, con biết rồi. Cụ lại sắp cho dọn một bữa rượu "Thạch lan hương". Nhưng sao năm nay, lại soạn đá sớm quá? Thưa cụ, con nhớ mọi năm cứ hạ cây nêu xong rồi mới đem cuội ra ngâm kia mà...
- Thế bõ không thấy giời đổi gió nồm đấy à? Thế bõ không biết năm nay hoa nở sớm hơn mọi năm sao? Tôi đã cho ngâm thóc để lấy mầm nấu kẹo mạch nha từ mấy hôm nay rồi.
Bõ già gật gật...
dsc0563.jpg

Cụ Kép là người thích uống rượu ngâm thơ và chơi hoa lan. Cụ đã tới cái tuổi được hoàn toàn nhàn rỗi để dưỡng lấy tính tình. Vì bây giờ trong nhà cụ cũng đã thừa bát ăn. Xưa kia, cụ cũng muốn có một vườn cảnh để sớm chiều ra đấy tự tình. Nhưng nghĩ rằng mình chỉ là một anh nhà nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu hao mất bao nhiêu giá trị tinh thần; nhưng nghĩ mình chỉ là một kẻ chọn nhầm thế kỷ với hai bàn tay không có lợi khí mới, thì riêng lo cho thân thế, lo cho sự mất còn của mình cũng chưa xong, nói chi đến chuyện chơi hoa. Cụ Kép thường nói với lớp bạn cũ rằng có một vườn hoa là một việc dễ dàng, những đủ thời giờ mà săn sóc đến hoa mới là việc khó. Cụ muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ các nơi về mà trồng, phó mặc chúng ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay thì chơi hoa làm gì cho thêm tội.
Đến hồi gần đây, biết đã đủ tư cách chơi cây cảnh, cụ Kép mới gây lấy một vườn lan nho nhỏ. Giống lan gì cũng có một chậu. Tiểu kiều, Đại kiều, Nhất điểm, Loạn điểm, Yên tử v.v... Chỉ trừ có giống lan Bạch ngọc là không thấy trồng ở vườn. Không phải vì lan Bạch ngọc đắt giá mỗi giò mười đồng bạc, mà cụ Kép không trồng giống hoa này. Trong một buổi uống trà đêm, cụ Kép nói với một người bạn đến hỏi cụ về cách thức trồng cây vườn hoa:
- Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm, ông ạ. Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cánh. Bạch ngọc thì đẹp lắm. Nhưng những giống nhẹ nhàng ấy thì yểu lắm. Chăm như chăm con mọn ấy. Chiều chuộng quá như con cầu tự. Lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những vật quý ấy không ở lâu bền với người ta. Lan Bạch ngọc hay ưa hơi đàn bà. Trồng nó ở vườn các tiểu thư thì phải hơn.
Thiếu hẳn loài Bạch ngọc, cụ Kép đã cho trồng nhiều giống Mặc lan, Đông lan, Trần mộng. Giống này khỏe, đen hoa và rò đẫy, hoa có khi đậu được đến nửa tháng và trong mươi ngày, nếu chủ vườn có quên bón tưới, cũng không lụi.
Chiều hôm nay, hoa Mặc lan chớm nở.
Chiều mai, mùng một Tết, hoa Mặc lan mãn khai đầy vườn.
Đêm giao thừa, bên cạnh nồi bánh chưng sôi sình sịch, bõ già đang chăm chú canh nồi kẹo mạch nha. Cụ Kép dặn bõ già phải cẩn thận xem lửa kẻo lơ đễnh một chút là khê mất nồi kẹo.
Hai ông ấm, con trai cụ Kép, người lớn tuổi đứng đắn như thế, mà lại ngồi gần đấy, phất giấy vào những nan lồng. Thực là hai đứa trẻ con đang ngồi nghịch với lồng bàn giấy. Họ trịnh trọng ngồi dán hồ, vuốt giấy. Ông cụ Kép đứng kèm bên, mỗi lúc lại nhắc:
- Này Cả, thầy tưởng miệng lồng bàn, con nên đan to hơn miệng chậu. Con chạy ra, lấy cái que đo lại lợi chậu xem. Nếu rộng thì hỏng hết. Đo lợi chậu Mặc lan thôi.
Hai ông ấm, ngồi phất được đến mười cái lồng bàn giấy. Họ rất vui sướng vì họ tin đã làm toại đượcsở thích của cha già. Cụ Kép co ro chạy từ nồi mạch nha, qua đám lồng bàn giấy, đến cái rổ đá cuội đã ráo nước thì cụ ngồi xổm xuống, ngồi lựa lấy những viên đá thật trắng, thật tròn, để ra một mẹt riêng. Ông ấm cả, ông ấm hai lễ mễ bưng những chậu Mặc lan vào trong nhà. Cả ba ông con đều nhặt những hòn cuội xấu nhất, méo mó, xù xì trải xuống mặt đất những chậu lan gần nở. Mỗi lần có một người đụng mạnh vào rò lan đen, cụ Kép lại xuýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình.
Nồi kẹo đã nấu xong nhưng phải đợi đến gần cuối canh hai kẹo mới nguội.
Bây giờ thêm được bõ già đỡ một tay nữa, cả ba ông con đều lấy những hòn cuội để riêng ban nãy ra mẹt, đem dúng đá cuội vào nồi kẹo, quấn kẹo bọc kín lấy đá, được viên nào liền đem đặt luôn vào lồng chậu hoa. Những viên đá bọc kẹo được đặt nhẹ nhàng lên trên lượt đá lót lên nền đất chậu hoa.
Úp xong lồng bàn giấy lên mười chậu Mặc lan thì vừa cúng giao thừa.
Ba ông con, khăn lượt áo thâm lạy trước bàn thờ đặt ngoài trời. Năm nay, trời giao thừa lành.
Cả một buổi sớm, cụ Kép phải bận ở đình làng. Trước khi ra đình cụ đã dặn bõ già ở nhà phải sửa soạn cho đủ để đến quá trưa, cụ và vài cụ nữa đi việc đình làng về sẽ cùng uống rượu thưởng hoa.
Bõ già đã bày ra giữa sân bốn cái đôn sứ Bát Tràng mầu xanh quan lục. Trước mặt mỗi đôn, bõ già đặt một án thư nhỏ, trên đó ngất nghểu hai chậu lan còn lù lù chiếc lồng bàn úp, và một hũ rượu da lươn lớn có nút lá chuối khô. Bõ già xếp đặt trông thạo lắm. Trong mấy năm nay, đầu mùa xuân nào bõ già cũng phải ít ra là một lần, bày biện bàn tiệc rượu Thạch lan hương như thế. Bõ già hôm nay lẩm bẩm phàn nàn với ông ấm hai:
- Năm nay cụ nhà uống rượu sớm quá và lại uống ban ngày. Mọi năm, cứ đúng rằm tháng giêng mới uống. Vả lại uống vào chiều tối. Đốt đèn lồng, treo ở ngoài vườn, trông vào bữa rượu hoa, đẹp lắm cậu ạ.
Ông ấm hai vui chuyện, hỏi bõ già:
- Này bõ già, tôi tưởng uống rượu nhấm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha thì có thú vị gì. Chỉ thêm xót ruột.
- Chết, cậu đừng nói thế, cụ nghe thấy cụ mắng chết. Cậu không nên nói tới chữ xót ruột. Chính cụ nhà có giảng cho tôi nghe rằng những cụ sành uống rượu, trước khi vào bàn rượu không ăn uống gì cả. Các cụ thường uống vào lúc thanh tâm. Và trong lúc vui chén, tịnh không dùng những đồ nhắm mặn như thịt cá đâu. Mấy vò rượu này, là rượu tăm đấy. Cụ nhà ta quý nó hơn vàng. Khi rót rỏ ra ngoài một vài giọt, lúc khách về, cụ mắng đến phát thẹn lên. Cậu đậy nút lại không có rượu bay!
dsc0554.jpg

Phía ngoài cổng, có tiếng chó sủa vang.
Bõ già nhìn ra thấy bốn cụ tiến vào đã quá nửa lòng ngõ duối. Cụ nào cũng cầm một cây quạt thước, chống một chiếc gậy tre càng cua hay trúc đùi gà. Uống xong tuần nước, cụ Kép mời ba cụ ra sân uống rượu. Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì khom khom mở từng chiếc lồng bàn giấy một.
Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây. Bốn cụ và bõ già đánh hơi mũi: những cặp mắt kém cỏi đăm đăm nhìn kỹ vào khoảng không trong vắt như có ý theo dõi luồng hương thơm đang thấm nhập dần vào các lớp khí trời. Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian.
- Dạ, xin rước các cụ.
Dứt tiếng cụ Kép, tất cả bốn cụ đề úp lòng bàn tay vào nhau thi lễ và giơ tay chỉ thẳng vào giữa mời nhau ai cao tuổi xin nhắp chén trước đi. Tiệc rượu bắt đầu. Bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng thèm say lắm.
- Trời lạnh thêm chút nữa, uống Thạch lan hương mới đúng phép, chủ nhân ạ!
Đáp lời cụ Cử Lủ, cụ Kép vuốt râu cười nói:
- Chính thế. Nhưng đệ sợ chờ được lạnh đến, thì hoa vườn nhà tàn mất. Trông kẹo mạch nha không đông, còn dính vào lớp đá lót, đệ cũng biết là không được khéo lắm. Trời nồm biết làm thế nào.
- Này cụ Kép, kẹo đá thơm ngon đấy. Chỉ hiềm có mùi ung ủng pha vào hương lan. Chắc kẹo nấu bén nồi, khê và thêm không được đông nên mới có tạp vị nhiễm vào.
Sau mấy câu phê bình về tiệc rượu, tỏ ra mình là người biết thưởng thức những vị thanh lương đạm bạc, bốn cụ đều xoay câu chuyện sang phía thơ văn.
Cụ Tú người cùng làng với cụ Kép mở đầu câu chuyện làm thơ.
- Sớm nay, đệ đã khai bút rồi. Đệ nghĩ dược một đôi câu đối. Để các cụ chữa cho mấy chữ. Chiều nay sẽ viết luôn vào giấy hồng điều để xin phép dán thêm vào cổng nhà.
Ba cụ cùng cạn chén một lúc, cùng nói một lúc:
-Cụ Tú hãy cạn luôn ba chén rồi hãy đọc đôi câu đối mới. Câu đối của cụ còn ai mà hạch nổi chữ nào. Cụ nói gì mà khiêm tốn vậy... Chúng tôi xin nghe.
Chờ cụ Tú dặng hắng lấy giọng, mỗi cụ đều bỏ vào mồm những viên kẹo mạch nha đá cuội ướp hương lan. Những nhân đá đánh vào răng kêu lách cách. Mỗi ông già đọc một đôi câu đối.
Rồi chén rượu ngừng là một lời thơ ngâm trong trẻo. Cứ thế cho tàn hết buổi chiều.
Mấy cụ đều khen lẫn nhau là thơ hay. Trong cái êm ấm của buổi chiều xuân sớm, tiếng ngâm thơ quyến rũ cả đến tâm hồn một người lão bộc. Bõ già, chiều mồng một Tết tự nhiên mặt sáng tỏ hẳn lên. Cái đẹp của tiệc rượu ngâm thơ lây cả sang người bõ.
Vò rượu vợi với chiều xuân sớm quên đi.
Những vò rượu vợi dần. Trong lòng đĩa sứ đựng nhân đá, hòn cuội cao dần lên, bõ già đưa thêm mãi những đĩa sứ vào bàn rượu.
Từ phía đầu làng, dội về mấy tiếng pháo lẻ loi. Lũ cháu nhỏ, nấp sau cột nhà, muốn chạy ra xin bõ già phát cho chúng những hòn cuội đã nhắm rượu xong rồi kia.
 

cobebandiem

Thành viên tích cực
Tham gia
7/11/08
Bài viết
326
Điểm tương tác
1
SVC$
0
TĨNH TÂM

IMG_4566.jpg
(Cụ Lê Thanh Khả - 81 tuổi bên bông Đại Thanh, ảnh Huy Tấn, ảnh chỉ có tính minh hoạ)

----------------------------------------------------------------------------------
Trước Tết Nguyên Đán, nhà nào cũng tát ao bắt cá, ra giêng ao chuôm trong làng vẫn còn cạn nước lắm, người ta tranh thủ cấy cần. Nhà nào không cấy thì vét bùn bạ lên vườn, lên những gốc chuối, gốc na. Cụ Nghiên xắn quần móng lợn đứng trên bờ ao bảo mấy đứa cháu:

- Đến lớp bùn đen, xắn bằng mai được, chúng mày vật cho ông khoảng một khối để ông trồng lan.

Mấy đứa cháu cụ tưởng bảo gì chứ vật cho cụ một khối bùn đen thì thấm tháp gì. Chỉ một lát, chúng xắn lên cho cụ những mai đất dẻo như đất thó, lại cẩn thận vác lên tận sân cho cụ phơi nắng, cụ phơi đi phơi lại cho khô hẳn rồi xếp gọn vào một chỗ để sang tháng hai ta, hoa lan tàn thì có đất để sang chậu.

Cụ Nghiên quý những chậu lan lắm, hoa gì cụ cũng không thích bằng hoa lan, chẳng nhiều nhặn gì, mấy chục năm nay, cụ cũng chỉ có trên dưới mươi chậu thôi, nhưng cái công cụ bỏ vào lan để cứ sau mỗi năm lan lại nở hoa đúng vào dịp tết xuân có lẽ quá công chăm bón cho một mẫu ruộng cấy hai vụ lúa. Ngoài thì giờ dắt con bê cho vợ chồng thằng cả đã ra ở riêng thì cụ dành để chăm sóc những chậu lan. Năm nào lan của cụ cũng nở những bông đầu tiên vào hai mươi tám, hai mươi chín tết, cụ lại cho mấy cụ bạn hàng xóm mượn mỗi cụ một chậu để chơi cho nó thơm cửa thơm nhà. Cụ bảo: "Nhất gia chủng chi, lưỡng gia gia hương" (Một nhà trồng, hai nhà hưởng hương thơm).

20092617354.jpg


Chơi Tết xong, các cụ hàng xóm lại sai con cháu bê sang đặt ngay ngắn trước giàn cho cụ Nghiên, kèm một ấm chè sen gọi là cảm ơn tấm lòng của người trồng lan đã chia sẻ chút hương trời cao quý của lan đối với tri âm tri kỷ. Nếp xưa cụ Nghiên vẫn giữ như thế. Dạo năm kia, ông Đạo người hàng xóm ở Hà Nội về nghỉ tại quê nhà thì cũng được cụ cho mượn một chậu để chơi tết. Ông Đạo chơi toàn phong lan, mùa hạ thì chỉ có phi điệp, hoàng thảo, mùa thu có quế lan, có kiều đạm thanh, mùa xuân có đai châu, ông Đạo treo hơn chục giò phong lan lủng lẳng trước hiên nhà. Khách đến, ông tiếp ngay dưới những giò phong lan, kể cũng là sang. Ông Đạo nói với mấy cụ hàng xóm sang chơi:

- Tôi mua những giống này họ bán đầy ở chợ Bưởi. ở Hà Nội tù túng, nhà nào nhà nấy phải làm lồng sắt che chắn kẻ trộm, phong lan nó cũng không chịu ở trong cái cảnh ô nhiễm khói bụi, cho nên sống với các cụ ở đất Hà Thành cũng là bất đắc dĩ. Từ ngày đem nó về đây, hoa nó cũng nở đẹp hơn, chùm hoa cũng dài hơn.

Mấy ông hàng xóm nghe ông Đạo nói liền hỏi:

- Thế ông có biết giống lan mà cụ Nghiên trồng không?

- Có, chơi địa lan khó lắm, ở Hà Nội, người chơi được địa lan chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi đã trồng thử nhưng đều thất bại. Giống ấy quý lắm, có thời điểm phải bỏ tiền triệu mới mua nổi một chậu.

Mấy ông hàng xóm trợn tròn mắt ngạc nhiên, cụ Tưởng bảo:

- Tôi cứ nghĩ một chậu hoa như thế chỉ vài chục là cùng, nào ngờ lại đắt tiền đến như vậy. Thảo nào, cụ Nghiên những lúc rỗi rãi, không mấy khi cụ ấy rời những chậu lan, cụ kỳ cặm kỳ cụi lau nhẹ nhàng từng chiếc lá. Từ khi mắt kém, cụ phải nhờ người lên tỉnh mua cho cụ một chiếc kính lúp để cụ soi cho trong kẽ lá có con rệp nào không, phát hiện thấy cụ dùng một cái tăm nhấm cho toè đầu rồi đẩy con rệp ra, sau đó lại nhúng cái đầu tăm vào một chén mật cá trắm, bôi vào những chỗ rệp hay bám. Trong làng, thấy nhà ai làm thịt lợn, khi người ta cạo lông lợn cụ đều đến xin. Một lần, anh Sương hỏi cụ:

- Cụ làm gì cái thứ này, cụ mang về ấp vào gốc chuối tốt phải biết.

- Không, tôi mang về còn phải làm công phu lắm, nghe anh ấp vào gốc chuối cho kiến vàng nó đến làm tổ à, anh chỉ xui dại lão.

- Dạ, cụ cứ nói thế, con cháu đâu có dám xui dại ông cha. Con tưởng cụ xin về làm phân bón cây.

- Đúng là bón cho cây thật, nhưng mà là lấy bón cho lan, phải làm kỹ thì mới bón được.

Thế thì con chịu, nào con có biết cụ làm như thế nào. Phiên chợ, con sang lò mổ bên Đục, con xin cho một tải.

Mấy ngày hôm sau, anh Sương mang sang nhà cụ Nghiên một tải lông lợn. Cụ Nghiên mừng lắm, cụ cảm ơn anh rồi pha trà mời. Cụ giảng giải để anh nghe cái thú chơi lan của các cụ ngày xưa. Thực tình mà nói, con cái cụ ở xa, chỉ có mỗi anh cả nhà cụ là lấy vợ làng, đã ra ở riêng, còn các anh chị sau, thỉnh thoảng họ mới về thăm cụ được. Vợ chồng anh con thứ khẩn khoản mời cụ ra ở với họ ngoài thành phố nhưng cụ không đi, cụ bảo:

- Tôi ra với anh chị ở trên gác ba gác tư làm sao mà mang lan của tôi đi được.

Chị con dâu ra vẻ hiểu ý thích của cụ nói:

- Ôi dào, bố cứ cầu kỳ, bố thích có hoa, con ra phố Hàm Long con mua, hoa gì cũng có, cây thế cũng có, đôn cổ, chậu cổ có hết, cây của Tàu người ta làm y như thật, có khi còn đẹp hơn mấy chậu của bố để ở nhà.

Cụ Nghiên nghe con dâu nói, phì cười rung cả chòm râu bạc trắng:

- Con ơi, hoa thật, chậu đôn cổ thật của các cụ để lại còn chẳng ăn ai nữa là con mua của giả ở phố Hàm Long về để chiều bố.

- Bố ạ, đắt ra trò, có chậu cả trăm nghìn đấy.

- Các con bận công việc, không trồng được hoa thì các con chơi hoa giả cho nó vui mắt.

Nói đoạn, cụ Nghiên chỉ tay ra khóm hồng nhung trước cửa nói:

- Con xem mấy bông hồng kia có đẹp hơn mấy bông hông giả con mua ở trên phố không?

- Đẹp quá, bố ạ - cô con dâu nhận xét

- Đúng rồi, nó đẹp thế mà con lại bảo là cây hoa giả của Tàu đẹp.

- Bố hỏi con ở ngoài đó con hay xem ti vi thấy các cô lên sân khấu có đẹp không, bố công nhận, nhưng mắt đàn bà Việt Nam làm gì có đôi lông mi cứng quều như lông cật trâu như thế. Con ạ, cây hoa cũng vậy thôi, hoa gì mà đem cọ rửa bằng xà phòng bột thì còn cao quý cái nỗi gì, cho nên bố không thích, con ạ.

j05rfz627525phx3l_tn_800x600.jpg


Chị con dâu nghe cụ nói đúng quá, thảo nào cụ không thích ra thành phố sống là phải. Ở thành phố cái quái gì cũng giả, đi chợ mua bó rau muống chỉ được vài ngọn non che bên ngoài, về giở lạt buộc bên trong toàn lá với ngọn già đau đáu. Về nhà, trông thấy các thiếu nữ làng đi cấy hái mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cô nào cũng khỏe mạnh, má hồng môi đỏ, ngực căng tròn trông mới thích làm sao. Là đàn bà sống ở thành phố, chị còn lạ gì, muốn căng muốn tròn thì đi mỹ viện, ít tiền thì lên Hàng Ngang, Hàng Đào, treo đầy trong các tủ kính… Nghĩ mà chán, ông cụ trồng hoa là hoa thật, hoa giả Tàu đẹp mấy thì cũng là của giả, thế mới biết người già nhìn cái gì cũng phải nhìn thực chất chứ không nhìn cái màu phấn son loè loẹt.

Cụ Nghiên được anh Sương cho một bao tải lông lợn, trời nắng cụ đem tãi ra phơi trên một góc sân, cụ giở đi giở lại trên nền xi măng nóng bỏng vài nắng cho thật khô rồi cụ lại xúc vào bao tải để trên góc bếp. Một hôm, ra đầu làng cụ bảo đứa cháu nội con nhà cả:

- Mày lấy cho ông mượn cái dậm xúc hến.

Thằng Tôm trợn tròn mắt:

- Ông định ra sông xúc hến à?

- Ừ.

Sáng hôm sau, ba ông cháu vác dậm ra bờ sông.

Bắt được đủ, cụ Nghiên đãi hến rồi nhặt ra những con to cho vào dậm của hai đứa cháu.

- Thằng Tôm, thằng Cua đem về cho u cháu nấu bầu, chỗ này để ông.

Thằng Cua bảo:

- Ông nhặt luộc những con bé bằng cái cúc áo này thì đến bao giờ.

- Không, ông chỉ lấy nước thôi, ông lấy nước để trộn với đất bùn ao để ra giêng hai thay đất cho lan, các cháu ạ.

Thằng Tôm, thằng Cua vốn rất quý ông, những lời ông nói bố mẹ chúng còn phải nghe phải sợ, hơi một tí là phải lên xin ý kiến ông cơ mà, cho nên chúng vác chiếc dậm ra về, dọc đường hai đứa gặp chú Túc đi thăm đồng, chú Túc hỏi:

- Thằng Tôm, thằng Cua đi cào hến với ông về đấy à? Chúng mày làm thế nào mà cào được toàn hến cụ, thế hả?

Thằng Tôm nói:

- Ông cháu chọn từng con một, thế này nhiều quá, chú ngồi xuống đây, cháu bảo.

Nghe thằng Tôm nói có vẻ quan trọng, chú Túc bập chiếc cuốc xuống rệ cỏ rồi nghe xem thằng Tôm nói gì. Nó ngửa cái dậm ra trút một nửa số hến trong dậm vào chiếc rá rồi đưa chú Túc, nó nói một câu rất giống câu của cụ Nghiên nói với nó lúc nãy:

- Chú Túc đem chỗ này về để thím nấu canh bầu, ngọt lự, nhà cháu thế này nhiều lắm rồi.

Chú Túc nghe thằng Tôm nói, chớp chớp đôi mắt, biết tính nó, chú nói:

- Chú xin, thím mày thích lắm đây. Lâu lắm, chú mới lại trông thấy mớ hến toàn con to như thế này.

Trông chú Túc vai vác cuốc, một tay cắp rá hến đi ngược bờ sông về nhà, thằng Cua bảo anh:

- Thế nào thím ấy cũng khen tắc lưỡi cho mà xem.

***

Cụ Nghiên ra ngoài bờ ao bắc sáu viên gạch làm đầu rau rồi lôi nửa cái thùng phi vẫn dùng để nấu bánh chưng đặt lên, xong xuôi cụ đổ cả rổ hến vào, cụ xuống ao múc nước cho đầy rồi gẩy củi châm lửa. Cụ ninh suốt từ sáng cho đến gần trưa, khi thấy những ruột hến cũng tan thành nước, cụ mới tắt lửa rồi đậy vung lại. Xong xuôi, cụ ra đầu hồi bê từng tảng đất bùn ao đã phơi khô vào góc sân, cụ ướm số đất đủ để ngậm hết chỗ nước hến rồi dùng vồ đập nhỏ ra, sau đó cụ mang trên gác bếp xuống tải lông lợn rũ ra trộn đều. Lúc ấy, cụ mới dùng cái gáo múc nước hến đổ vào, rồi đánh như phu hồ đánh vữa. Số đất trộn nước hến cùng với lông lợn, cụ ước lượng vừa đủ để đánh một cối vữa đất lù lù một đống ở góc sân. Cụ cứ để như vậy phơi nắng hàng tuần, chờ cho khô hẳn cụ mới bổ ra thành từng mảng cất vào bao tải để chờ sang tháng hai mới lấy thứ đất bùn ấy chặt nhỏ như con chỉ để sang chậu thay đất trồng lan.

Một hôm, cụ Nghiên sang chơi nói với ông Đạo:

- Các cụ quê mình không có truyền thống trồng lan nên hàng chục năm nay tôi cho giống để gây rồi cũng vẫn hỏng.

Ông Đạo tiếp lời:

- Cụ ạ, làm gì thì cũng phải có truyền thống, con hồi còn công tác ngoài Hà Nội, mất khối tiền mua địa lan trồng mà cũng chẳng ăn thua, cuối cùng thì chơi cái anh phong lan vậy. Con nghĩ địa lan nó cũng có ý thức tình cảm như người hay sao ấy. Con hỏi cụ: Nếu địa lan không có ý thức như người thì tại sao các cụ quy tiên thì ở chậu, người nhà phải khoanh vôi trắng để tang, thế rồi - chính mắt con trông thấy - chỉ sau một thời gian thì lan cũng rạc.

- Đúng thế. Chơi được lan cũng còn do cái tâm nữa, ông ạ. Người chơi địa lan mà không tĩnh tâm thì không chơi được đâu. Cái chậu cổ mặt giàn ngày xưa của nhà tôi các cụ để lại có hàng chữ Nho: "Bất dung đan quế xưng tiền bối. Tức hứa hàn mai bộ hậu trần" (Dù là đan quế xưng là tiền bối cũng không dung nạp. Cây mai nghèo dù đến sau cũng lập tức được trồng). Mấy chữ Nho viết trên chậu lan cũng nói lên cái quan điểm của người xưa đấy, ông ạ. Chơi để khoe rằng mình sang mà chả hiểu cái gì thì giống lan nó cũng chẳng chịu ở với người ta.

Ông Đạo nói:

- Ngày con còn công tác, có một thời khá nhiều ông này ông nọ lắm tiền mua những chậu lan cực đắt, có chậu mặc biên mua năm bảy triệu mà mua nào có ít, mua dăm chậu một lúc, thế rồi lan cũng hỏng.

Cụ Nghiên vuốt chòm râu trắng như cước, nhìn ra những giò phong lan của ông Đạo, vẻ tâm đắc lắm.

- Tôi nghĩ, chơi theo lối người giàu khoe sang, thực tình thì cái tâm họ có tĩnh đâu mà lan chả hỏng. Bác là người cán bộ về hưu sống ở làng, bác chơi được phong lan ấy là do bác đã bước đầu tĩnh tâm, tĩnh nữa thì bác chuyển chơi cả địa lan, tôi chắc thế nào bác cũng chơi được.

Hai cụ già hàng xóm, một cụ tám mươi, một cụ mới hưu, ngẫm ra lời nói của người xưa chẳng bỏ đi được câu nào: “Ông sáu mươi phải học ông sáu mốt, cụ bảy mươi phải học cụ bảy mốt”. Ông Đạo ngẫm nghĩ: Các cụ quê mình đâu có phải là xoàng./.

Thanh Tùng
 

cobebandiem

Thành viên tích cực
Tham gia
7/11/08
Bài viết
326
Điểm tương tác
1
SVC$
0
VƯỜN XUÂN LAN TẠ CHỦ

Năm mươi năm về trước, du khách ở vùng Thanh Hóa thường khi đi qua chỗ bến đò Ái Sơn, về hữu ngạn con sông Mã, nhận thấy ở vệ đường tay mặt một khoảnh vườn độ bốn, năm sào, xung quanh trồng toàn một thứ tre đằng ngà.

Đáng chú ý nhất là cái cổng kiến trúc theo lối cổng bên Phù Tang hải đảo. Nếu khách biết chữ Hán và đọc được chữ thảo Bát hiền đại chủ đời Thanh, thời khách nhận thấy ba chữ tên biệt thự viết phỏng theo lối chữ Tăng Quốc Phiên. Trên cái nền bằng gỗ lim sơn màu "cấn rượu", ba chữ thếp vàng "Túy Lan Trang" như hoạt động trên miếng bạch thạch cẩn vào gỗ đỏ.



Chủ nhân "Túy Lan Trang", một vị hưu quan, từ ngày được nộp lại triều đình chiếc ấn vàng, lui về chỗ huê viên, thường để hết thời giờ vào việc vun trồng, chăm chút một thứ lan rất quý, tìm tận ở Yên Tử sơn, hồi còn tại chức nơi tỉnh Đông ngoài Bắc. Hoa xưa kia, quen cái khí hậu nơi đỉnh núi cao; nhất đán hoa về nơi đồng bằng, hoa không khỏi một phen rầu rĩ với ngày nắng hạ, đêm sương thu chỗ xứ lạ mà lá úa giò gầy. Sớm, chiều hai buổi thăm hoa, chủ nhân lan viên chỉ lo hoa kia chẳng ở mãi với mình, mà cái công ngàn dặm chọn đất lành bọc cỏ quý quảy về quê hương sẽ lấy chi đền chuộc lại. Sau một hồi tàn tạ giữa lan viên, hoa lại bắt đầu cười với gió xuân về. Thoảng mùi lan đượm, ngắm lá lan xanh rờn trên mấy hàng chậu sứ túy lan lớp đất phủ lần vỏ sò cùng hòn cuội trắng, chủ nhân như sống một cảnh đời mới. Rồi lan kia như cảm tình người tri kỷ, ngày một thêm hoa và chả mấy chốc chủ nhân phải lùi lầu trang về một mé huê viên, nhường nơi đất tốt cho cỏ quý nẩy ngọn thêm cành.

Chủ nhân lấy luôn tên giống lan đặt làm tên biệt thự, ngụ cái ý yêu hoa và tỏ cho khách qua đường biết vườn nhà đầy cỏ lạ.

Nhớ đến lời sư Cụ chùa Quỳnh Lâm vùng tỉnh Đông dặn lại sau khi cho giống lan, mỗi bận xuân về, sớm sớm, chủ nhân lại phải cho cả vườn Túy lan say với hơi rượu thời cái vương giả hương ấy mới còn ở với người thế gian. Ngày xuân phải bón lan bằng hương rượu, chủ nhân rất lấy làm sung sướng được gần vùng cất rượu ngon có tiếng ở châu Thang là làng Vĩnh Trị. Ái Sơn đối ngạn Vĩnh Trị và đứng ở Túy Lan Trang trông rõ đê làng Vĩnh Trị. Những buổi sớm mùa xuân, mặt nước con sông Mã phẳng lặng như tờ, lại lăn tăn làn sóng nhỏ do mái chèo đập làn nước của một chiếc thuyền nan bơi từ bến ái Sơn sang bến làng Vĩnh Trị. Bọn người sinh nhai chỗ duyên giang, dậy sớm đứng trên mạn thuyền để thở cái không khí trong sạch bình minh vui cười bảo nhau:

"Lại thuyền cô chiêu Tần bên Túy Lan Trang qua Vĩnh Trị lấy rượu cho hoa!".

Phải, cô chiêu Tần - con gái ông chủ vườn Túy Lan Trang đi lấy rượu về bón huê đấy!



Quan án Trần, vì cái thích chơi hoa, phải giảm những sự chi dùng trong nhà để có đủ tiền đặt thứ "rượu khê" cho hoa lan, trị giá hai quan một vò bên làng Vĩnh. Mà mỗi sớm, chèo thuyền đi lấy rượu theo lời cha dặn, cô chiêu Tần đã diễn ra trên dòng nước sông Mã một cái cảnh tượng giống như trong tranh thủy mặc của người Tàu. Một người con gái mà cái dáng điệu dịu dàng đã in theo khuôn nhịp chốn đài trang, tóc búi cánh phượng, áo mặc rộng tay màu thiên thanh, chân đi dép cỏ mà lại thực hành một cái ý nghĩ chan chứa màu thơ - ngày xuân cảnh sớm, bơi thuyền lấy rượu cho hoa - đủ làm cho lãng tử được thấy cái đẹp ấy phải đưa mình vào mộng.

Vươn mình trên con bạch tuấn, cậu ấm Hai nghì cương, xuống yên, buộc ngựa vào gốc thùy dương, rồi đi tản bộ đến một cái quán dựng trên đê. Ngồi trên bệ đắp bằng đất sét, cậu ấm Hai như chờ đợi một người và muốn giết thời giờ, luôn tay phe phẩy cái roi ngựa làm bằng cành liễu khô bẻ ở cổng huyện Đông Sơn là nơi người cha ngồi chức Huyện úy. Cậu ấm Hai ngồi chờ cô chiêu Tần đi lấy rượu về. Ngồi đợi người yêu lâu quá sức đợi và khi cúi mặt nhìn nền mặt đất chực chỗ quán nước, cành liễu khô đập luôn luôn vào đôi má chiếc giày tàu bằng nhung đen đế gai xe tám sợi, không đủ cho người quên hết những ý nghĩ về thời gian một khắc một chầy, cậu ấm Hai lại cất mình lên ngựa cho khuây khỏa nỗi lòng khi vắng bạn. Con bạch tuấn được lỏng cương vế, cũng uể oải lê bốn vó trên đường. Vó câu một bước lại dừng, con bạch tuấn còn mê man những đám cỏ non của ngày xuân phủ kín mặt đê dài. Rồi vẳng tiếng hát nơi đầu sông đưa lại. Cậu ấm Hai nhận thấy được tiếng người quen, gò đôi cương nâng cao đầu ngựa trắng; lỏng tay buông tay khấu, lần bước dặm đê, ngựa đã từ từ đi xuống nơi dốc chỗ bến đò. Cậu ấm Hai, cô chiêu Tần cùng nhau thi lễ: người xuống ngựa, khách dừng chèo, nơi giang đầu lại có cái cảnh tượng như hệt cảnh tả trong bài thơ của Bạch Lạc Thiên.

- Xin lỗi công tử đã dầy công chờ tiện nữ. Dưới Nguyệt viên vào đám, đặt nhiều rượu ở bên Vĩnh Trị, nên hôm nay qua lấy rượu cho lan phải đợi lâu. Vậy công tử sang bản trang từ bao giờ?


(Hình của bác Hạt Cát)

Án từ nơi huyện đã xong nên bữa nay gia nghiêm muốn qua Túy Lan Trang xem hoa nở. Gốc trầm Quảng Nam buộc ở đầu ngựa này sẽ dùng để đốt lên trong khi lệnh nghiêm và gia nghiêm cho phép tiểu sinh ngồi trì hồ.

- Quan Lệnh doãn cho công tử mang trầm qua Túy Lan Trang như mỗi lần hội diện cùng gia nghiêm, thời bên bàn rượu, trước những giò lan nở, tiện nữ lại một phen được nghe lại tiếng đàn thập lục của công tử.


Quan Lệnh doãn huyện Đông Sơn là bạn thân và là khách quý của quan án Trần bên Túy Lan Trang. Ngày còn làm kẻ thư sinh, hai ông già ấy, đã cùng thi một trường, thụ giáo một thày và xuất thân cùng một hội. Sóng nước bể hoạn, tuy không làm chìm đắm nổi khách công danh trong khoảng mấy chục năm trời, nhưng cũng đã làm cho hai người đòi phen tơ tưởng lúc xa nhau. Hoạn hải từ ngày thuyền buộc bến, quan án Trần về ở Túy Lan Trang, cho là một cái diễm phúc được vui tuổi già gần người cố hữu. Rồi muốn cho cái tình thân ấy được thân hơn một bực nữa, đôi bạn già ngỏ ý cho nhau rõ rằng sẽ đi lại với nhau bằng cái tình thông gia gây nên bởi cuộc phối hợp nay mai của hai trẻ. Đều là người hiểu rõ cái lẽ sự vật trên thế gian, hai ông già không chịu uốn mình theo lề thói giả dối và thực hành cái luân lý khổ khắc với đôi trẻ thơ. Cho nên còn ở cái thời kỳ vị hôn phu và vị hôn thê mà cậu ấm Hai cùng cô chiêu Tần thường được gặp nhau và trò chuyện. Nếu cuộc đời cứ theo cái nhịp êm đềm mà đưa đôi già, đôi trẻ ấy đi với ngày lụn tháng qua, thời chân hạnh phúc của con người ta, tạo hóa có lẽ dành riêng cho nhà họ Trần và nhà quan Lệnh doãn Đông Sơn. Lạc thú hai gia đình ấy ví có thời mé lầu Túy Lan Trang bày chi thiên lệ sử; khách tài tình phỏng ngàn năm không để giận thời giống lan kia, còn cợt mãi gió xuân về! Nếu hầu hết những hạnh phúc đều giống nhau ở chỗ ấm cúng, êm đềm, đầy đủ thời mỗi nghịch cảnh lại có bộ mặt riêng tùy theo cái đau đớn của người trong cuộc.

Năm Ất Dậu, đời vua Đồng Khánh, vùng Hoan Ái phải qua cơn binh lửa gây nên bởi loạn Văn Thân. Cũng có người lấy danh nghĩa mà dúng tay vào công cuộc phá hoại; nhưng vứt đâu cho hết những kẻ lợi dụng thời cuộc, làm cho thỏa thích lòng dục trong lúc giao thời trắng đen không tỏ rõ. Cái thời loạn! Mà thời loạn thời trai thời loạn chứ sao? Cô chiêu Tần sống vào buổi non sông mờ cát bụi, đã đành trông ngóng cái thời bình. Cậu ấm Hai gặp lúc loạn ly, không những không có thủ đoạn của kẻ làm trai thời loạn, mà còn tỏ cho người thời ấy biết rằng một kẻ thư sinh chỉ có cái tâm hồn lãng mạn là một người chọn lầm thế kỷ. Chọc trời khuấy nước, trong khi người ta ham chuộng cái sức khỏe mà chỉ biết có ngón đàn, hiểu có hồn hoa, thời ở tâm người tài tử, buồn, tủi, cực đến dường nào! Trước những cái tin máu, xương thành sông núi, trăm họ bị làm cỏ, hai trái tim thơ ngây, của cô chiêu Tần và cậu ấm Hai, đều đập chung một điệu hãi hùng. Riêng về phần quan án Trần, thời thân già đã không lấy làm quan tâm đến vóc xương khô, còn những lo cho hoa, làm sao ngăn nổi gót chân đám người ô hợp nếu một mai chúng tràn đến.

Quan Lệnh doãn Đông Sơn lo việc tuần tiễu quân nghịch cũng thưa đi lại trên quan án Trần. Nơi Túy Lan Trang, hoa thường vẫn nở, người thường vẫn không chểnh mảng việc vun xới cho hoa mà chỗ lan viên lần lần như đã thấy cảnh điêu tàn. Không phải tại người, không phải tự hoa; chỉ tại cái không khí nặng nề của thời loạn phảng phất trên chỗ hoa viên.


(Hình của bác Hạt Cát)

Một đêm kia, về quãng cuối năm Bính Tuất, mưa tuôn rả rích, gió thổi vù vù, một cái đêm đông đầy những sự bí mật tối đen

Cô chiêu Tần, kinh động mở mắt dậy. Mé lầu trang lửa đỏ ngất trời. Tiếng người đi lại nhộn nhịp. Tiếng người quát tháo dữ dội. Họ nhét giẻ vào miệng cô chiêu Tần, rồi vực đi. Chỗ bến đò Ái Sơn, bốn chiếc thuyền từ từ dời bến. Đứng trên mui thuyền có tiếng người con gái gào khóc, một người vạm vỡ mặc quần áo đen, quấn khăn đầu rìu, tay cầm một cây "hồng" đốt bằng giẻ tẩm dầu, soi sáng quắc mặt nước con sông.

Bên Túy Lan Trang, lửa vẫn đỏ ngòn mà tịnh không ai cứu hỏa. Tre và gỗ chỗ lầu trang thi nhau mà cháy trước những ngọn lửa xanh lè liếm quanh loài thảo mộc. Lúc mà ngọn lửa đám cháy không soi rõ những đám lan xanh rờn trên chậu sứ, thời canh đã sang tư. Đêm tăm tối buông một bức màn bí mật, lạnh lẽo lên trên chỗ hoa viên tàn tạ. Chỗ đầu sông, đàn đóm lập lòe nơi bến nước, gió đêm vi vút bãi lau già!

Sớm hôm sau, các người ở vùng đấy, ngồi triết lý suông, giữa hai ngụm nước chè tươi nơi quán:

- Quan án Trần cũng vì bị kinh động, cảm xúc mạnh quá mà chết. Cô chiêu Tần, thuyền cướp mang đi. Cái biệt thự kia bị cháy ra tro. Cho hay sống vào thời loạn, cái phú quý và cái sắc đẹp cũng nhiều khi là cái mầm vạ lớn.

Từ khi lan vắng chủ, từ khi hoa không người nâng giấc, giống cỏ quý kia cũng quyết tạ theo tri kỷ, thề không ở lại với thế gian. Vả chăng người giai nhân đã đi, cái hào hoa cũng tận. Cái thuật cất "rượu khê" bên làng Vĩnh Trị, cũng không ai truyền lại cho ai nữa, để lại một mối tiếc cho "làng men" mỗi khi nhắc tới cái phong vị hồi cận đại.

Sau cái đêm dữ dội ấy, cây cỏ nơi Túy Lan Trang đều một loạt ủ rũ như để tang cho người thiên cổ. Tơ liễu khóc mưa, tóc tùng reo gió, bóng tre lìa bụi, đều ngậm một cái tình buồn trước cái hương trời lăn lóc khoảnh vườn hoang. Lan đã biết tạ chủ, thời cỏ cây kia há kém ai!

Để lại bên sông một khoảnh đất cao hơn mặt ruộng, đứng xa trông như một cái gò phát bằng ngọn, ngày nay, Túy Lan Trang chỉ còn là một chỗ đi về của đám mục đồng. Tụi trẻ kia không biết kính trọng cái âm phần của giống Túy lan khi yên giấc sau lúc tạ chủ, cho trâu bò giẫm nát cả mồ hoa!

Thiên "thảm sử Túy Lan Trang" cũng đi theo với thời gian và bị xóa nhòa trong trí nhớ người đồng thời. Ngày nay du khách đi qua vùng Ái Sơn đất Thanh Hóa, nghe thấy những danh từ "Gò Lan tạ" và "Quán cậu Hai" phải hỏi mãi mới ra nghĩa cũ. "Gò Lan tạ" là nền tảng Túy Lan Trang và là cái nơi vùi hoa lan; "Quán cậu Hai" là nơi cậu ấm Hai nghỉ ngựa trước khi gặp người ngọc chỗ lầu trang, vẫn hết sức giơ cái thân tàn chịu lấy cái gió mưa nơi đầu bến. Gò, quán kia đã ghi vào trong tâm trí khách chơi hoa một cái kỷ niệm buồn rầu. Vườn xuân lan tạ chủ; đàn đóm lập lòe nơi bến nước mà gió đêm vi vút bãi lau già...


Tiểu thuyết thứ bảy, 1935
NGUYỄN TUÂN

<HR color=lightgrey SIZE=1>
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom