Guest viewing is limited

thucphan

Thành viên tích cực
Tham gia
10/9/07
Bài viết
254
Điểm tương tác
7
SVC$
0
Đốt tiền vào cá cảnh
Một chú cá Hồng Long giá chừng... 35 triệu đồng, một chú La Hán giá 16-18 triệu đồng, một chú Kim Long cũng từ 6, 5 triệu đồng trở lên. Cứ thế, một bể cá cảnh có tổng trị giá từ một đến... vài trăm triệu đồng. Chuyện không “bịa!”.
Thời gian gần đây, dân chơi Hà Nội đang rộ lên thú chơi cá và bể thủy sinh. Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, song chỉ chừng từ vài ba năm nay, thú chơi tao nhã và nhuốm cả màu sắc tâm linh này mới rộn ràng như thế. “Thời gian và tiền bạc tốn kém không thua gì thú chơi xe hơi, máy ảnh, điện thoại... Song nếu như các thú chơi high-tech thiên về “tinh”, thì những thú vui như chơi bể cá cảnh, thủy sinh, gỗ, đá lại đòi hỏi ở người chơi cả chất “nghệ” lẫn chất “tinh”. Đó mới là điều đáng nói.
ca.jpg
Không chỉ có tiền đổ vào mà phải là cả công sức, sự am tường các học thuyết khoa học cổ và cả các triết lý nhân sinh sâu sắc của ông cha ta thời xưa mới làm nên chất sành của dân có tiền thời nay”, anh Tân, một dân chơi bể có thâm niên cả chục năm tâm sự.
Hiện ở Hà Nội, một chiếc bể thủy sinh làm hoàn toàn bằng gốc và một phần thân cây gỗ lũa, là mô hình của một hẻm núi hoàn hảo gập ghềnh với thác đổ từ trên đỉnh xuống mặt hồ có giá 250 triệu đồng. Một chiếc bể cá thủy sinh treo tường siêu mỏng hoặc bể đặt (ở vườn, trong phòng) có giá trung bình từ 35 đến 150 triệu đồng. Không chỉ tốn tiền khi mua bể, đến khi chơi bể, người chơi còn phải cân chỉnh nó cho phù hợp với toàn bộ các chi tiết nội thất trong gian phòng và trong tư gia. Riêng việc làm thế nào cân bằng được hệ thống đèn trang trí cho bể (có những chiếc thường được dùng trong các phòng thí nghiệm cấy mô) với loại đèn day-light (cho ánh sáng tự nhiên) của gian phòng cũng đã chẳng hề dễ dàng.
ca2.jpg
Không chỉ thế, chất liệu được chọn làm thành bể dù là kính cạnh vát hay kính uốn (kính cạnh vát thường rẻ hơn kính uốn) cũng đều phải là loại kính chất lượng cao để tránh bị tức mắt cho người xem cũng như tránh bị phản quang bởi các loại đèn trong bể và xung quanh. Dù là bể treo mỏng như một bức tranh kính tĩnh mặc, trong suốt; hay bể đặt lung linh, huyền ảo làm ấm cả gian phòng thì toàn bộ các thiết bị hiện đại kèm theo bể như máy làm mát nước, bộ lọc, máy sủi, máy tự động cho cá ăn, van CO2... đều phải được giấu đi một cách tinh tế ở ngay thân bể để đảm bảo tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ nghệ thuật chơi.
Và công phu...
Khi chơi bể cá thủy sinh, người chơi thường phải dựa theo mệnh, theo tuổi, theo cung sinh của mình để dựng bể, mua cá, mua rong chứ không chơi tùy tiện theo sở thích. Có rất nhiều loại bể: Bể Tứ Quý (theo quan niệm xưa, bể thủy sinh loại này mang lại sinh khí bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông cho chủ nhân); bể Tam Tài (mang lại sinh khí hoà hợp Thiên - Địa - Nhân); bể Ngũ Phúc Hướng Kim (được trình bày theo ngũ phúc nhưng hướng kim nhằm sinh khí, mang lại quyền lực, tiền tài); bể Mộc (gỗ kết hợp với các loại rong cỏ tạo nên màu xanh của Mộc. Khí của Mộc sẽ làm cho vạn vật được tươi tốt, có tính chất sinh sôi); bể Thủy (có suối, thác, thủy sinh và một vài chú cá hiền lành tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển, nhấn mạnh vai trò của nước với các tính chất làm lạnh, hướng xuống làm cho vạn vật tĩnh lặng)...
Nói chung, khi bài trí bể, ngoài các nguyên tắc ngũ hành, âm dương, phong thủy, người chơi có thể chọn cho mình một trong nhiều trường phái tạo cảnh. Nếu theo phong cách Amano của người Nhật, người chơi phải tuân thủ khắt khe về bố cục. Nguyên liệu chính thường được dùng là đá, cây và được sắp xếp theo chủ đề nhất định như phong cảnh sơn thủy hữu tình của thiên nhiên hùng vĩ những quan niệm nhân sinh của các học thuyết Phương Đông... Còn nếu chơi theo phong cách Hà Lan thì bể lại có chiều hướng tự nhiên, hoang dại, trung tính nhiều hơn. Thường, những bể kiểu Hà Lan không sử dụng gỗ và đá...
ca3.jpg
Dân chơi bể thủy sinh mặc dù ai cũng nắm được nguyên tắc nằm lòng: màu dưỡng là màu của Hoả (đỏ, tím), màu sinh là màu của Kim... nhưng khi dựng bể, nếu cẩn thận thì hầu như ai cũng mời thầy phong thủy về xem. Thế nên, dân chơi mới ngầm chia ra làm 3 loại.
Thứ nhất là dân chơi đẹp, vốn chỉ là dân có tiền tậu về những trang thiết bị tối tân, thiết kế những không gian hoành tráng cho phù hợp chiếc bể cá thủy sinh.
Thứ hai là dân chơi sành, gồm những đại gia không chỉ có khả năng tậu được đồ đẹp, xịn mà còn mời thầy phong thủy về chọn hướng, dựng bể, xem tuổi, chọn ngày bắt cá...
Và cuối cùng, đỉnh cao nhất thuộc về dân chơi nghệ là những người tự tay dựng nên được những chiếc bể cá thủy sinh thực thụ cho mình. Số này không nhiều, ở Hà Nội chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Tậu bể, dựng bể là việc công phu nhưng chăm bể mới là khâu nan giải. Thông thường, người chơi hay thuê người về làm vệ sinh bể (mỗĩ lần chỉ từ 50.000 đến 200.000 đồng tùy theo bể), nhưng đã là dân chơi nghệ thì chiếc bể được quý chẳng khác gì con đẻ của mình, họ phải tự tay nuôi trồng, chăm bón và lau dọn...
Thế nên mới gọi là “nghề chơi cũng lắm công phu”! Sự đặc sắc, độc đáo của thú chơi bể cá thủy sinh thể hiện ở sự tinh tế, khéo léo của người chơi khi tạo được không gian có sự hoà phối nhịp nhàng giữa thủy, mộc, hoả, thổ và kim. Người chơi không chỉ có tiền mà còn phải thực sự am hiểu về thuật phong thủy, bài trí được sự tĩnh trong lòng vận chuyển của sự động. Đặt bể cá cũng phải chọn hướng. Hướng mà dân chơi thường hay chọn để đặt bể nhất là hướng Bắc (thuộc cung quan lộc, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc) và hướng Đông Nam (thuộc cung Phú Quý, tượng trưng cho sự giàu có).
Theo ngũ hành tương sinh, tương khắc thì Kim sinh Thủy, Mộc sinh Hoả. Do vậy, nếu đặt bể ở hướng Bắc (thuộc hành Thuỷ), gia chủ phải chọn những loại sinh vật cảnh có màu ánh kim còn nếu đặt ở hướng Đông Nam (thuộc hành Mộc) thì người chơi phải sử dụng các màu đỏ, hồng.
Không chỉ là thú chơi
Đời cá, kiếp bể có khi tồn tại nhiều hơn cả một kiếp người. Có trường hợp người chơi nuôi một chú cá rồng từ khi còn trẻ, đến khi “ra đi” rồi mà 10 năm sau cá mới chết. Cũng có câu chuyện về việc một chú cá rồng thế thân cho chủ khiến người chủ tránh được việc mất mạng trong một tai nạn hiểm nghèo. Và cá, bể cá thủy sinh trong giới chơi đã trở thành bùa hộ mạng, vật thế thân, biểu hiện cho sự tồn vong, suy thịnh của đời người.
Cái gì cũng có nguyên do của nó, chiếc bể cá thủy sinh là tổng hoà của cả một hệ thống các quy tắc khắt khe của thuật phong thủy, là sự gắn kết của số mệnh gia chủ khi người chơi chọn bể, chọn cá theo hướng, theo mệnh của mình, là công sức chăm bẵm, duy trì của người chơi nên nó cũng như là số mệnh của họ vậy.
Đó cũng là lý do chính mà dân chơi thường rỉ tai nhau những câu chuyện ly kỳ, bi ai như kể trên. Không kém gì thú chơi chữ, chơi tranh, đá, gỗ... của người xưa, chơi bể cá thủy sinh của dân sành điệu hiện nay cũng đang trở thành một thú chơi tao nhã và ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục.
(Theo Thời Trang Trẻ)​
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom