Guest viewing is limited

tongquan

"Cuộc đời ... như là chiêm bao"
Tham gia
9/12/09
Bài viết
56
Điểm tương tác
48
SVC$
0
Cách nuôi Chòe than bổi và tình yêu chim cảnh .

(Dành cho người mới)

Tôi viết bài này không khuyến khích các bạn tập nuôi chim Chòe than bổi. Lời khuyên chân thành dành cho các bạn mới tập nuôi chim rằng : Nếu muốn nuôi chim bổi thì trước tiên hãy tập nuôi chim con (đã lớn) đã có mùa mà người khác đã từng nuôi, rồi từ từ học kinh nghiệm thật kỹ về kỹ thuật nuôi chim, khi đã thu thập được nhiều kiến thức thì mới bắt tay vào để nuôi thuần hóa một chú chim Chích chòe than bổi. Nếu vô tư đem chim bổi về thả vô lồng cho ăn uống bình thường như mọi con chim chòe than khác, rồi tự tin nghĩ là nó sẽ sống khỏe và hót hay … tức là đang giết nó. Các bạn là người thông minh biết cách tính toán, yêu thích thiên nhiên và các loài vật ... thì sẽ có một tấm lòng nhân hậu, biết yêu quý loài chim mang lại niềm vui cho đời mà không nỡ để nó phải chết vì sự sơ sót của mình.

Chòe than bổi là chim Chích chòe than đã sống và lớn lên ở thiên nhiên, có giá khá rẻ, dễ nhận biết trống mái và cũng dễ tìm mua. Rất nhiều người nuôi chim và yêu tiếng hót chim Chích chòe đều đã có lần nuôi thử Chòe than bổi xem nó sẽ như thế nào, nó có hót hay đá giỏi như thường thấy ở nơi giao lưu của các cao thủ chơi chim hay không(?), rồi nếu nó có chết hay gì đó thì cũng chẳng tiếc gì, vì rẻ mà . Người bẫy chim thì tìm cách bẫy bắt, người bán chim thì ra sức thu hàng khi có đợt hàng chim Chòe bổi mới về, cửa hàng mua bán chim cảnh khai trương liên tục … và cứ như vậy.

Trong khi Chòe than bổi là loài chim rất nhát, dễ chết, khó thuần …

Mấy ai hiểu rằng cứ mỗi người thử nuôi Chích chòe than bổi thì lại góp phần tận diệt loài chim quý này - loài chim mang lại tiếng hót niềm vui cho đời - Để trở thành “nghệ nhân” nuôi chim bổi thì người đó đã làm chết khá nhiều loài chim này rồi, và cứ từ từ mỗi lần một ít học hỏi cách nuôi chim bổi, chim bổi nuôi chết thưa dần, rồi họ mới kinh nghiệm nuôi cho thuần thục. Chưa kể đến người bắt và bán chim không cần bảo dưỡng, cả lồng chim hàng trăm con hốt hoảng bay loạn xạ trong đó có vô số chim bệnh tật nhắm mắt chờ chết, họ dửng dưng nhặt ném từng xác chú chim chết vào sọt rác mà chỉ hơi tiếc rẻ vì mất đi một ít lợi nhuận.

Số lượng loài chim quý này không phải là vô hạn .

Tham quan ở nhiều nơi bán chim cảnh thấy bán với số lượng lớn, có nhiều người khách tìm mua. Nhưng để nuôi thành công một chú chim Chòe than bổi thì phải là những người có kinh nghiệm . Cứ thử tìm hiểu xem những người mua chim bổi đó họ có nuôi dưỡng được nó hay không, tỉ lệ nuôi thuần thục thành công được bao nhiêu người ? So sánh thì sẽ thấy lượng chim bổi hàng ngày được đánh bắt buôn bán là rất lớn, nhưng số chim bổi được nuôi sống thành công thì chẳng có mấy con. Thì sẽ thấy con người đang tận diệt loài chim Chích chòe nhiều đến mức nào.

Ở ngoài tiệm chim nếu thấy những chú chim hay nhắm mắt hoặc nằm im dưới đáy lồng … sẽ bị quăng vào sọt rác sau đó vài ngày, có mấy ai biết và đủ can đảm để mua về cứu sống nó.

Vì vậy hãy nghiên cứu thật kỹ, hãy tập trung sự khéo léo và tính kiên nhẫn của bạn . Khi đã tự tin mình rút đựợc khá nhiều kinh nghiệm của người đi trước rồi, lúc đó mới chọn cho mình một chú chim Chích chòe than bổi để nuôi dưỡng.

Thời đại hiện nay có Internet - mạng xã hội bàn tán về đủ mọi chuyện trên đời trong đó cách nuôi chim thì cũng vô số kể và mỗi người một cách nuôi khác nhau , tựu chung là các cách chọn lựa hình dáng và tính tình của chim, cách thuần hóa nuôi dưỡng sao cho chim mau dạn dĩ, mau cất tiếng hót vang để chúng ta được thưởng thức tài nghệ của ca sĩ núi rừng. Vì vậy hãy nghiên cứu, hãy so sánh gạn lọc, hãy ghi nhớ các cách nuôi dưỡng để nâng cao tầm hiểu biết và phù hợp hoàn cảnh sống của mình, đến khi đem chú chim Chòe bổi về nhà là mình đã tự tin rằng “nó phải được chăm sóc đầy đủ khỏe mạnh”. Có như vậy mới không uổng công sức mà mình bỏ ra khi học hỏi chăm sóc và cũng để tôn trọng một sinh mạng nhỏ bé mà cơ duyên nào đó đã về đến tay mình.

Cách nuôi Chòe than bổi khi mới bắt về.

( Phần này hướng dẫn để nuôi chim chòe bổi trong thời gian đầu – là thời điểm quyết định sống sót của chim bổi khi được nuôi lần đầu tiên trong lồng).

Nhớ rằng Chòe than bổi nhảy rất dữ, dễ hoảng khi thấy người, có con nuôi thuần cả năm mà vẫn nhảy tung lồng như ngày đầu mới mang về. Khi khỏe mạnh sức ăn của nó rất nhiều, lực ăn của nó mỗi ngày ngốn một lượng thức ăn tương đương với 50 con dế loại trung, hoặc trên dưới 100 con cào cào non , nếu đáp ứng được nhu cầu của nó thì mới đem về nuôi .

Hiếm khi chim bổi đang nuôi mập mạp mà chết, nó dễ chết khi suy kiệt vì hoảng loạn và bệnh. Sự suy kiệt dồn nén từng ngày nên có người thắc mắc tại sao nuôi vài tháng chim mới chết trong khi nó đã ăn được cám.

Khi đã có kiến thức về cách chọn lựa là mình nuôi chim để hót hay để đá, bạn sẽ chọn cho mình chú chim theo tiêu chuẩn tự mình đặt ra sau khi đã tham khảo, khi đã thấy được chú chim như ý và muốn bắt về nuôi, bạn cần chú ý các điểm sau : Chim phải nhảy nhót khỏe mạnh lanh lợi, hai cánh cân bằng không bị lệch xệ cánh, mắt sáng trong không bị đục mờ, chân móng đầy đủ không bị gãy sút móng, lông quanh hậu môn khô ráo không bị ướt … (chỉ nói riêng về sức khỏe, còn cách nhìn chọn chim như : đầu xà, chép miệng, cao chân, mũi thông, mỏ mỏng … thì mỗi người mỗi ý).

Chuẩn bị lồng :

Chọn một chiếc lồng chắc chắn và khít khao, không có những khe hở nhỏ ở những mối nối vì sẽ làm chim bị sút mất móng khi bám vào, bên trong lồng ngoài cầu đậu thì có 4 cóng - là loại cóng lớn dành cho Chòe than - loại cóng làm bằng sành là tốt nhất, tránh dùng cóng bằng nhựa vì có độ bén dễ làm chim bị thương, tránh dùng cóng thủy tinh trong suốt vì chim thấy mồi mà cứ mổ phía ngoài, nên chọn bố lồng màu sáng để ta dễ nhìn thấy màu phân chim, trong đó :

-1 cóng đựng nước có pha thuốc Gentamycin (bắt buộc phải có). Chỉ cần một ống thuốc Gentamycin cho vô cóng nước, giá 2 ngàn / ống. Nên mua 1 vĩ 10 ống để dành khi chim bị tiêu chảy, phân đen.
-1 cóng đựng sâu quy (khoảng 1 muỗng canh).
-1 cóng đựng dế (khoảng 10 con dế loại trung).
-1 cóng đựng cào cào non (khoảng 10 con loại trung).
Lượng thức ăn này chỉ trong một buổi, một ngày cho ăn 2 buổi giống nhau. Đây chỉ là lượng thức ăn thời gian mới bắt đầu thuần khi chim chưa khỏe mạnh sung sức và còn nhát. Qua được thời gian đầu thì sẽ thấy lực ăn của nó dần dần tăng, tức là ngày sau tiêu thụ nhiều hơn ngày trước, tháng này tốn tiền thức ăn nhiều hơn tháng trước ... hì hì .

Dùng một tấm giấy bìa khổ lớn cắt vừa chiều cao nan lồng rồi bọc quanh bên ngoài có dây thun ràng cột lại. Mục đích giấy bìa là giữ cho chim không chui đầu ra ngoài nan lồng gây kẹt làm chảy máu đầu, áo lồng phủ gọn bên trên.

Chuẩn bị lồng xong rồi thì cho chim vô lồng. Sau đó treo chỗ yên tĩnh có ánh sáng.

Sau buổi đầu tiên chúng ta ra quan sát lượng thức ăn và nước uống, len lén hé nhìn theo dõi . Khi thấy thức ăn và nước uống vơi đi - tức là chú chim đã chịu ăn uống – bạn châm thêm thức ăn cho đủ số lượng, rồi lại đặt như cũ . Công việc chỉ có vậy, mỗi ngày thăm nom chú chim 2 hoặc 3 lần , theo dõi màu phân, độ nhảy nhót, lượng thức ăn nước uống, mắt nhắm hay mở . Nếu chim chịu ăn uống thì bạn yên tâm rằng chú chim sẽ sống. Riêng nước uống có pha thuốc thì cứ để yên vậy sau 3 ngày thì thay nước lọc bình thường. Nhớ rằng lượng thức ăn là cố định , tức là mỗi lần thăm nom thì phải châm thức ăn cho đủ số lượng . Cuối ngày khoảng 4 giờ chiều thì kiểm tra lần nữa rồi đem cất cho chim ngủ. Nuôi như vậy trong khoảng 2 tuần chắc chắc chú chim sẽ lấy lại sức và nhảy hip hop như ngựa.

Trường hợp khác : Chim không chịu ăn uống hoặc hay nhắm mắt.

Rất nhiều chim chết vì lạ môi trường sống, bỏ ăn, bệnh tật …, gặp trường hợp này thì sẽ khó khăn hơn, phải quyết định thật nhanh khi phát hiện ra. Ngay sau buổi đầu tiên bắt chim về theo dõi thấy lượng thức ăn nước uống còn nguyên, hoặc chim hay đứng nhắm mắt thì nhanh tay làm cách sau :
- Bắt chim ra ngoài, dùng móng tay cạy mỏ chim cho há ra, rồi nhét thẳng vô họng chim một con dế (loại nhỏ hoặc vừa, dế đã được bẻ chân bóp đầu cho mềm), sau đó nhỏ vài giọt nước có pha thuốc Gentamycin cho chim uống (dùng một bình nhỏ như bình thuốc nhỏ mắt để làm), rồi thả chim vô lồng như cũ. Cứ khoảng hơn 30 phút phải làm một lần, sau 2 – 3 ngày là chim khỏe và tiếp tục nuôi như lúc đầu . Lúc chim đã khỏe mạnh ăn uống trở lại thì pha thuốc vô nước loãng hơn (3 giọt thuốc trong cóng nước) , sau đó 3 ngày thì thay nước lọc bình thường. Cứu nó sống mới quan trọng nhất nên đừng ngại bắt chim ra ngoài , lúc bắt thì đem vô chỗ tối thì dễ bắt hơn, bắt chim phải nhẹ nhàng gỡ từng ngón chân khi nó bám vô nan lồng.

(Bạn nào có tấm lòng từ thiện muốn cứu giúp loài chim quý này thì nên mua rẻ lại những chú chim bị bệnh, mang về cứu sống nó rồi phóng sinh.)

Khi chú chim đã khỏe mạnh nhảy nhót tưng bừng, phân chim màu sáng hơi khô ráo … thì dưỡng như vậy thêm vài ngày nữa rồi thực hiện bước tiếp theo là cho tắm và tập cho ăn cám.

- Gentamycin : Thần dược của chim bổi mới bắt về.( tỉ lệ 1 ống / 1 cóng nước).
- Lisivit (hoặc Vincozyn ) : Thuốc bổ kích thích ăn dùng tốt cho chim suy yếu .​
Các thuốc này có bán ở nhà thuốc tây, giá khá rẻ.

Trên đây chỉ là phần xử lý lúc đầu đem chim bổi về . Phần sau đó như cách cho tắm, trị rận mạt, cách phơi nắng, cách ăn bột, cách thuần quen người, cách dợt giọng hót đấu … thì các bạn tự tìm hiểu thêm. Nuôi than bổi rất khó vì phải chăm sóc kỹ và tốn kém hơn chim thuộc, đã vậy khi nuôi phải theo kiểu chăm sóc rồi quên đi thì mới nuôi nó được , chứ chỉ mới một vài tháng mà nóng ruột chăm chú theo dõi suốt ngày thì nó cũng dễ chết ... vì vậy phải tính trước.

Chú chim mà chết vì một lý do nào đó thì : Hãy thắp nhang cầu khấn cho linh hồn nhỏ bé mau về cõi an lành và tự nhủ rằng : “Mình đã gây thêm tội tận diệt loài chim quý”.


(Bài này tôi đã đăng nơi khác, nay có chỉnh sửa và up lại )
.​
 
Chỉnh sửa lần cuối:

alias_no_13

Thành viên tích cực
Tham gia
23/3/09
Bài viết
446
Điểm tương tác
158
SVC$
0
hít. thanks bác chủ topic 1 phát. mùa vừa rồi mua 1 em chim bả trống về nuôi vô bột 1 tuần ok luôn sống nhăn răng hót hét ok. mua thêm em mái về tính ghép đẻ mà sau hơn 1 tuần ko vô được bột rùi em nó tử vong. phải đến em mái thứ 4 mới sống nổi..................hy vọng năm nay ghép đẻ thành công để bù lại số lượng đã die...........
 

alias_no_13

Thành viên tích cực
Tham gia
23/3/09
Bài viết
446
Điểm tương tác
158
SVC$
0
tin buồn là trời trở gió rét mướt em than mái thứ 4 nuôi được cũng vài tháng rồi đã tử nạn các bác ạ. chắc có lẽ em ko có tay nuôi than mái. thế là ấp ủ nuôi than đẻ lại tan tành lần nữa rồi. buồn ghê
 

quang37

Thành viên tích cực
Tham gia
21/7/10
Bài viết
187
Điểm tương tác
71
SVC$
0
Bài viết rất hay và tâm huyết. Đặc biệt là những khuyến nghị về việc không nên nuôi chim bổi khi chưa có kinh nghiệm.
 

Chủ đề được đánh giá cao

Bên trên Bottom